Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND 

(Chinhphu.vn) - "Ở địa phương nào mà đồng chí Bí thư kiêm vị trí Chủ tịch HĐND, hoặc ở đâu có đồng chí Bí thư cấp ủy quan tâm đến cơ quan dân cử thì hoạt động của HĐND ở đó sẽ mạnh", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

Sáng 21/3 tại TPHCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố khu vực phía nam năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trương này được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt rất quan tâm chỉ đạo và hoan nghênh. Bản thân các đồng chí lãnh đạo HĐND các tỉnh, thành phố cũng tham gia rất tích cực; cử tri ghi nhận, đồng tình và đánh giá cao.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2021 là năm rất đặc biệt: Năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần toàn quốc lần thứ XIII; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và là năm đặc biệt khó khăn do tác động và ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với cả nước nói chung và khu vực phía nam nói riêng.

Qua báo cáo tham luận của các tỉnh cũng như theo dõi của Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, về mặt khách quan, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiếp tục kế thừa những truyền thống, kết quả, kinh nghiệm trước đây và thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tìm tòi, đổi mới, khát khao cống hiến.

"Dường như có luồng gió tươi mới hơn, năng động, sáng tạo hơn, bám sát thực tiễn cuộc sống hơn, đáp ứng được những yêu cầu cấp bách của cơ quan dân cử địa phương và góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ của các địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa duy trì được hoạt động kinh tế và các hoạt động khác", ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2021, HĐND các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố đã tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cuộc bầu cử với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tỉ lệ tham gia bầu cử cao, 99,6%. Trong thành tích chung này, vai trò của các đồng chí trong thường trực HĐND, vai trò của các đồng chí đại biểu cơ quan dân cử địa phương rất quan trọng.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND - Ảnh 2.

Các đại biểu chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

"Đặc biệt, các tỉnh phía nam đã tổ chức vận động bầu cử rất tốt với số lượng các cuộc tiếp xúc cư tri cao. HĐND các cấp ở các tỉnh phía nam rất quan tâm đến lĩnh vực này, chất lượng bầu cử là thực chất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công các kỳ họp để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết đại hội đảng bộ của các địa phương; triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về khung khổ 5 năm cũng như các khung khổ cho các kế hoạch của năm 2021. Nhân sự của HĐND các tỉnh, thành phố được tăng cường. Trong số nhân sự 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có đến 25 đồng chí là Ủy viên Trung ương trực tiếp làm Chủ tịch HĐND (có 3 đồng chí là Ủy viên dự khuyết thì làm Phó Chủ tịch HĐND); 34 đồng chí là Phó Bí thư cấp ủy trực tiếp đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐND, trong đó có 9 đồng chí là Chủ tịch HĐND chuyên trách ở các địa phương; chỉ có 7 đồng chí là Ủy viên Thường vụ đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐND.

"Ngoài kỳ họp đầu tiên, kỳ họp thứ 2 theo thường lệ, HĐND các tỉnh, thành phố đã rất linh hoạt, năng động tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề. Như Bình Thuận có đến 9 kỳ họp, Sóc Trăng 8 kỳ họp, còn các địa phương khác ít nhất cũng có 5 kỳ họp; ban hành các nghị quyết kịp thời cho sự phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng, chống dịch của địa phương (nhiều nhất là Long An với 145 nghị quyết; Bạc Liêu 47 nghị quyết…)", ông Vương Đình Huệ cho biết.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đáng mừng là nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đến việc hoàn thiện khung khổ thể chế cho cả nhiệm kỳ, từ quy chế hoạt động, quy chế phối hợp. Ví dụ, TPHCM đã ban hành cả một đề án về đổi mới, tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động giám sát của HĐND Thành phố trong điều kiện thực hiện Nghị quyết 131.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, ngay từ năm đầu tiên, HĐND các tỉnh, thành phố đã triển khai những hoạt động giám sát của HĐND, của Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND với những hình thức đổi mới và rất đáng chú ý. "TPHCM tổ chức chất vấn cả chủ tịch quận trong phiên họp của HĐND Thành phố. Nhiều địa phương tổ chức chất vấn trực tiếp Chủ tịch UBND. Một số địa phương, như Long An, tổ chức theo tổ, cụm tổ HĐND để họp, thảo luận và hoạt động giám sát. Tôi cho rằng đó là những hình thức rất linh hoạt, hoạt động giám sát như vậy có thể bao quát toàn bộ và đã được triển khai với chất lượng khá tốt", ông Vương Đình Huệ cho biết.

HĐND các địa phương cũng đã triển khai phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 4 chuyên đề giám sát (2 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội và 2 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp gửi về cơ bản đạt chất lượng tốt. Có những báo cáo giám sát của HĐND cấp tỉnh, riêng về vấn đề quy hoạch thôi đã dài 45 trang với 10 trang kiến nghị, đề xuất rất cụ thể.

Ngoài ra, HĐND các tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng và linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri, bao gồm cả trực tiếp, trực tuyến và kết hợp trực tiếp-trực tuyến; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của công dân và cử tri. Năm 2021, tỉ lệ giải quyết khiếu nại của cử tri đạt trên 85% bình quân cả nước.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của HĐND - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Anh Thơ

9 nhiệm vụ cho HĐND các tỉnh, thành phố

Trong năm 2022, Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các địa phương cần tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng nhiệm vụ của HĐND, thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Từ đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân cử hơn nữa.

Nhiệm vụ thứ hai mà Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, đó là tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đề án "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp", nhất là cấp tỉnh; xây dựng những đề án có tính chất khung cho cả 5 năm.

Ngoài ra, cần kịp thời ban hành các nghị quyết về tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế-xã hội trong năm 2022. Trong đó, có 2 lĩnh vực là Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.

Tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động HĐND như các kỳ họp không giấy tờ, biểu quyết từ xa, giám sát bằng hình ảnh…

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND, với UBND, MTTQ tỉnh, thành phố; thực hiện tốt quy chế làm việc của HNĐ cấp tỉnh, quy chế tiếp công dân của thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh…

Một nhiệm vụ rất quan trọng, theo Chủ tich Quốc hội, đó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với hoạt động của HĐND. "Tôi xin nhắc lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ hướng dẫn và giám sát HĐND, còn lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp là cấp ủy địa phương. Ở địa phương nào mà đồng chí Bí thư kiêm vị trí Chủ tịch HĐND, hoặc ở đâu có đồng chí Bí thư cấp ủy quan tâm đến cơ quan dân cử thì hoạt động của HĐND ở đó sẽ mạnh", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về giám sát HĐND.

HĐND các tỉnh tiếp tục tăng cường công tác giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa HĐND các tỉnh, thành phố; giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các cơ quan Quốc hội, giữa các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các tỉnh, thành phố. Tiếp tục tăng cường sử dụng chuyên gia, cộng tác viên trong tổ chức hoạt động của HĐND.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường công tác thông tin, truyền thông. Cơ quan dân cử muốn đến được với cử tri, với nhân dân thì phải thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Cần tăng thời lượng cho hoạt động tuyên truyền, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã làm tốt để phát huy việc này.

Anh Thơ

362 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1064
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1064
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87050893