Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác đào tạo nghề 

Đào tạo nghề có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế- xã hội. Chính vì vậy, trong quá trình lãnh đạo toàn diện xã hội, Đảng ta hết sức quan tâm, coi trọng công tác này.

Đối với tỉnh ta, sau gần 33 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội - quốc phòng an ninh: Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo nguồn lực mới cho sự phát triển. Giai đoạn 2015 – 2020, GRDP tăng bình quân 7,16/năm. Năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh  đạt 6,5%; đứng thứ 3 trong các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đứng thứ 18 trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước hơn 5.511 tỷ đồng. Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành tựu đó chính là Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo.

Trước hết, đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các văn bản của Trung ương Đảng về công tác dạy nghề. Sau khi tiếp nhận văn bản của Trung ương, trong đó hai văn bản liên quan đến công tác đào tạo nghề đó là: Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” và Chỉ thị số 37- CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo Văn phòng Tỉnh ủy sao gửi đến Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự đảng UBND tỉnh; các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các đồng chí Tỉnh ủy viên; đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và các trường Trung cấp nghề chuyên nghiệp, dạy nghề… tổ chức cho cán bộ, đảng viên, giảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhất là những người trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý, đào tạo nghề… học tập, nghiên cứu sâu các nội dung của Chỉ thị.

Đối với cấp huyện, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy giao Ban Tuyên giáo (chủ trì) phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ban Thường vụ cấp ủy phổ biến nội dung các Chỉ thị của Ban Bí thư và các văn bản liên quan đến công tác dạy nghề cho đội ngũ Báo cáo viên cấp ủy; lãnh đạo các Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp); Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan, đơn vị trực tiếp tham mưu, quản lý công tác đào tạo nghề.  

Thứ hai, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương về dạy nghề, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một số văn bản, như: Chương trình hành động số 95-CTHĐ/TU, ngày 23/7/2014 thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI. Chương trình hành động số 76-CTHĐ/TU, ngày 06/9/2013 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều đề ra nhiệm vụ cụ thể cho công tác này; Chẳng hạn như Chương trình hành động số 26-CTHĐ/TU, ngày 15/6/2016 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI  đề ra 8 nhiệm vụ trong đó nhiệm vụ được xác định quan trọng đó là: đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các dự án đầu tư, nhất là các dự án triển khai tại Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh.

Cùng với đó, thông qua cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ và Bí thư cấp ủy cấp huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ và Bí thư cấp ủy cấp xã với Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, một số việc khó, việc mới trong đó có các nhiệm vụ, chỉ tiêu về đào tạo nghề  để tập trung chỉ đạo. Nhờ vậy, các chương trình, đề án đào tạo nghề cho người lao động được thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu thực tiễn và thị trường. Bước đầu đã có sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tuyển sinh, đào tạo và tiếp nhận lao động qua đào tạo. Giai đoạn 2016 - 2020, đã đào tạo nghề  cho 60.947 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31%.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đó, có thể nói nguồn nhân lực tỉnh ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.  

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đề ra chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75 - 80%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33% và đến năm 2030 là 85 - 90%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 36%; Số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 là 12.000 lao động và giai đoạn 2026 - 2030 là 12.600 lao động”.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội nói chung, trong đó có chỉ tiêu về đào tạo nghề trong nhiệm kỳ 2020-2025 phải hết sức chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động và yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được sắp xếp lại trên địa bàn tỉnh: Trường Cao đẳng kỹ thuật; các trường có ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ; một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện. Tạo điều kiện để Phân hiệu Đại học Huế, Trường Cao đẳng sư phạm Quảng Trị liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phối hợp các địa phương, các ngành tuyển chọn và tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển thị trường lao động.

Điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng tăng đào tạo công nhân có trình độ trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, chú trọng đào tạo các ngành nghề đáp ứng nhu cầu lao động cho các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu công nghiệp, khu kinh tế. Đào tạo kỹ thuật, tay nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nông dân trở thành chuyên gia về nông nghiệp, đào tạo lực lượng lao động trẻ làm nòng cốt trong ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Trí Ánh

                                      

670 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 748
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 748
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87202006