Tăng cường quan trắc, cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản 

(ĐCSVN) - Trước tình hình diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại đáng kể trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông (NN&PTNT) thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, lấy mẫu tại các nguồn cấp nước ở các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo dịch bệnh.

 

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong 3 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các địa phương bị thiệt hại là 15.586 ha, tăng gấp 4,17 lần so với cùng kỳ năm 2019 (3.740 ha) và 5,23 lần so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra còn có 3.900 lồng, bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Trong số các loài thủy sản nuôi bị thiệt hại, tôm nước lợ bị thiệt hại rất nhiều với diện tích 14.687 ha, tăng gấp 4,14 lần so với cùng kỳ năm 2019.

 Ảnh minh họa (Ảnh: BT)

Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua rất đáng kể, gây tổn thất lớn về kinh tế cho người dân và ngân sách nhà nước. Ngoài các nguyên nhân khách quan do tác động bất lợi của môi trường, biến đổi khí hậu… còn có các nguyên nhân chủ quan. Trong đó, một số địa phương chưa triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, đặc biệt là công tác giám sát chủ động, xét nghiệm mầm bệnh và báo cáo, thống kê dịch bệnh.

Bên cạnh đó, hệ thống thú y nói chung, công tác quản lý về thú y thủy sản nói riêng thời gian gần đây có một số thay đổi, do đó ảnh hưởng lớn đến công tác thú y, nhất là trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Việc chia sẻ thông tin, tổng hợp báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời và đầy đủ, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng đến việc phân tích, nhận định tình hình, đề xuất giải pháp và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, hỗ trợ xuất khẩu thủy sản năm 2020, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Ban, Sở, ngành liên quan và UBND các cấp tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, lấy mẫu tại các nguồn cấp nước ở các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo dịch bệnh. Qua đó, góp phần hạn chế thiệt hại gây ra, đồng thời hỗ trợ cho việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.

Cùng với đó, tổ chức thu mẫu giám sát định kỳ các tác nhân gây bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân thủy sản nuôi bị chết nhiều, có dấu hiệu bất thường. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch giống thủy sản xuất, nhập tỉnh; chú trọng kiểm tra, giám sát chủ động, kiểm soát dịch bệnh và chất lượng của con giống thủy sản trên địa bàn.

Song song với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho người nuôi tuân thủ thả giống theo đúng lịch thời vụ và chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động, xử lý ao nuôi và động vật thủy sản bị mắc bệnh kịp thời, xử lý môi trường theo các quy định, hướng dẫn hiện hành.

Ngoài ra, tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (đặc biệt tại tuyến cơ sở), bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của tất cả các nhiệm vụ như: chủ động phòng bệnh, tổ chức giám sát, phát hiện dịch bệnh, lấy mẫu, chẩn đoán, xét nghiệm, cảnh báo, báo cáo, xử lý dịch bệnh…/.

 
BT
193 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 443
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 443
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77994124