Tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động 

(Chinhphu.vn) - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động.

 

Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tai nạn tại các dự án, công trình, doanh nghiệp ở một số địa phương trong cả nước. Một phần nguyên nhân do sức ép công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch COVID-19 và do người sử dụng lao động, người lao động chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng tại địa phương tập trung nguồn lực cho công tác quản lý ATVSLĐ bao gồm cả khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về ATVSLĐ, đặc biệt trong lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai thác khoáng sản, khai thác đá, xây dựng, quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; công khai thông báo vi phạm nghiêm trọng trong công tác ATVSLĐ trên phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động, kiên quyết khởi tố vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ; quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (đặc biệt thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén...); thực hiện và chỉ đạo UBND cấp huyện, xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật ATVSLĐ, trong đó chú trọng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Xây dựng tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng như cần trục tháp, vận thăng, cần bơm bê tông, hệ thống cốp pha, sàn treo nâng người, hệ thống giàn giáo; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải như các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đã được Chính phủ phân công điều tra tai nạn lao động.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công Thương tập trung tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực Bộ phụ trách, đặc biệt là vật liệu nổ công nghiệp, các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng nổ.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thanh tra xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra tại địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai khoáng, sản xuất than cốc,dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất, sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; thi công công trình xây dựng; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; sản xuất sản phẩm dệt, may, da giày.

Cục An toàn lao động phối hợp với các bộ, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ, nhất là đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt máy, thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén...; tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp với bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ.

Tuệ Văn
323 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 925
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 927
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87223332