Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (11/1/1969), trong suốt 50 năm qua, Thụy Điển đã có nhiều hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần cho Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Thụy Điển cũng là nước phương Tây có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam mạnh nhất, sớm nhất (tháng 8/1966). Tháng 10/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam lập Phòng Thông tin tại Stockholm.
Tháng 6/1970, Thụy Điển lập Đại sứ quán tại Hà Nội và tháng 7/1970, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Stockholm. Ngày 4/9/1982, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức quyết định đặt quan hệ với Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển.
Tháng 11/2012, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội đề nghị được mở thêm Văn phòng Thương mại trực thuộc Cơ quan Xúc tiến thương mại – đầu tư Thụy Điển “Business Sweden” nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tháng 9/2013, Văn phòng Thương mại chính thức đi vào hoạt động.
Ngày 18-19/3/2014, Thụy Điển lần đầu tiên tổ chức Hội nghị các Đại sứ Thụy Điển tại Châu Á tại Hà Nội do Thứ trưởng Ngoại giao Frank Belfrage chủ trì. Đây là một sự kiện quan trọng của Ngành Ngoại giao Thụy Điển diễn ra vào đúng thời điểm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969 - 2019), hai bên sẽ phối hợp tổ chức một số hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, giao lưu văn hóa nghệ thuật, diễn đàn doanh nghiệp...
Thụy Điển là nước phương Tây đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới ngay từ những năm đầu tiên trong các lĩnh vực cải cách kinh tế; tài chính; ngân hàng; quản lý kinh tế; hành chính; luật pháp… và tích cực hỗ trợ Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới... Tháng 1/2014, Quốc hội Thụy Điển đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (PCA).
Quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi
Cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, quan hệ thương mại giữa hai nước cũng ngày càng tăng lên. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1,8 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Thụy Điển sang Việt Nam là máy móc và phụ tùng cho ngành công nghiệp và viễn thông. Các sản phẩm nhập khẩu chính của Thụy Điển từ Việt Nam là nông sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ, điện thoại các loại và linh kiện.
Đầu tư của Thụy Điển vào Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 3/2019, Thụy Điển đứng thứ 33 trong tổng số 131 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 67 dự án còn hiệu lực. Thụy Điển quan tâm tới lĩnh vực dịch vụ với 1 dự án, tiếp đến là công nghiệp chế biến, chế tạo với 16 dự án. Số còn lại là các dự án trong các lĩnh vực khác, nhưng không có dự án nào trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thụy Điển đầu tư chủ yếu theo hình thức liên doanh (7 dự án) và 100% vốn nước ngoài (28 dự án). Các dự án của Thụy Điển có mặt tại 7 tỉnh, thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hưng Yên. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thụy Điển sớm có mặt tại Việt Nam như Ericsson, ABB, IKEA, Electrolux… Hãng sản xuất xe hơi Volvo và hãng thời trang bình dân H&M của Thụy Điển đã mở cửa hàng tại Việt Nam. Tập đoàn sản xuất đồ gia dụng, nội thất nổi tiếng thế giới của Thụy Điển là IKEA sẽ sớm có hoạt động tương tự. Tính đến nay, Việt Nam có hai dự án đầu tư tại Thụy Điển.
Thụy Điển là nước Tây Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (bắt đầu từ năm 1967), tổng viện trợ trên 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: Y tế, cải cách kinh tế, xây dựng thể chế, luật pháp, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, môi trường và biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, nhà nước pháp quyền... Sau năm 2013, Thụy Điển chấm dứt cung cấp viện trợ phát triển song phương cho Việt Nam, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng cùng có lợi. Thụy Điển sẽ tiếp tục viện trợ thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới... để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới...
Hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả
Trước đây, với sự hỗ trợ của SIDA (Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển), hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ hai nước phát triển mạnh. Thụy Điển là một trong những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất và có hiệu quả nhất cho ngành văn hóa Việt Nam, với những dự án trong các lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, nâng cao kỹ năng và nghiệp vụ trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình và báo viết của Việt Nam. Hai bên đã ký hai Hiệp định hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa và truyền thông. Hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, nhạc kịch cũng đạt được những kết quả tích cực (Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã hợp tác với các trường âm nhạc Thụy Điển trong việc đào tạo âm nhạc truyền thống Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất phim, nâng cao kỹ năng đội ngũ giảng viên của Việt Nam…). Trên cơ sở chính sách viện trợ phát triển quốc tế mới của Thụy Điển, văn hóa không còn là lĩnh vực ưu tiên của SIDA. Do đó, hợp tác văn hóa hai nước trong thời gian tới sẽ tập trung thông qua kênh hợp tác trực tiếp giữa các cơ sở văn hóa nghệ thuật của hai nước và mang tính đối tác bình đẳng hơn với sự đóng góp nguồn lực của hai phía.
Về giáo dục - đào tạo, Thụy Điển đã giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư, tiến sĩ trong các ngành lâm nghiệp, giấy, năng lượng (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng hạt nhân…), công nghệ sinh học, y học, báo chí. Các trường đại học, viện nghiên cứu hai nước thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong việc đào tạo và trao đổi sinh viên, nghiên cứu sinh, học thuật (Đại học Y Hà Nội - Viện Karolinska; Đại học Bách khoa Hà Nội - Đại học Công nghệ Hoàng gia Stockholm, Đại học Lund, Đại học Umea, Đại học hàng hải Malmo…). Cuối năm 2013, Thụy Điển tuyên bố ưu tiên dành học bổng đào tạo đại học và sau đại học cho Việt Nam, mở ra cơ hội cho các sinh viên Việt Nam sang Thụy Điển học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, một số trường Đại học lớn của Thụy Điển như Trường Đại học Uppsala đã liên kết với Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mở các khóa đào tạo tại Việt Nam. Tháng 8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Thụy Điển đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu nhân chuyến thăm Thụy Điển của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Nội dung của Bản ghi nhớ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về giáo dục đại học, trao đổi sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên, các dự án nghiên cứu khoa học chung, phát triển giáo dục đại học.
Hai bên đã ký Ý định thư về việc xây dựng quan hệ Đối tác Chiến lược Ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và nâng cao năng lực với Thụy Điển (10/2016). Hiện nay, hai bên đang thúc đẩy việc thiết lập quan hệ hợp tác trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Tháng 11/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật” với Công ty Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào.
Về du lịch, lượng khách Thụy Điển đến Việt Nam trong năm 2017 đạt 44.045 lượt, tăng 16,9% so với năm 2016. Năm 2018, Việt Nam đón 49.723 lượt khách Thụy Điển, tăng 13% so với năm 2017.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hai nước có quan hệ hợp tác lâu dài và truyền thống. Trong thập niên 1970, Thụy Điển đã giúp Việt Nam xây dựng dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng - một trong những nhà máy giấy lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Chương trình “rừng, cây và con người” cuối thập niên 1980 đã góp phần tạo ra vùng nguyên liệu với hàng ngàn hec-ta rừng và phát triển kinh tế - xã hội 5 tỉnh vùng trung tâm miền núi phía Bắc. Khi Việt Nam bước sang thời kỳ Đổi mới, hỗ trợ của Thụy Điển luôn gắn liền với ưu tiên chiến lược, chuyển dần từ hỗ trợ kỹ thuật sang nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành với phương thức tiếp cận mới phù hợp với nền kinh tế thị trường.
Ngoài ra, Thụy Điển còn hỗ trợ thử nghiệm các hình thức tiếp nhận viện trợ mới theo tinh thần của Tuyên bố Paris nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ. Thụy Điển là một trong những đối tác đầu tiên ủng hộ sáng kiến thành lập Nhóm hỗ trợ quốc tế ISG để giúp ngành nông nghiệp điều phối các khoản viện trợ quốc tế theo ưu tiên của ngành; hỗ trợ thành lập các đối tác ngành như Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp, Đối tác giảm nhẹ thiên tai, Đối tác nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2004, Thụy Điển cùng Hà Lan, Phần Lan và Thụy Sĩ thành lập Quỹ ủy thác ngành lâm nghiệp - loại hình tài trợ hoàn toàn mới theo hình thức “hùn vốn” của các nhà tài trợ vào một quỹ và do Việt Nam quản lý. Quỹ này được đánh giá hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành lâm nghiệp, đặc biệt liên quan đến vấn đề rừng và biến đổi khí hậu…
Theo Cục Thống kê Thụy Điển (SCB), cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển tính đến nay có khoảng 20.000 người. Đại bộ phận người Việt tại Thụy Điển làm nghề buôn bán nhỏ lẻ và sống hòa nhập với xã hội sở tại.
Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1969-2019), góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Thụy Điển./.
Nguyễn Hồng Điệp/TTXVN