Ngày 29/7, tại thành phố Lạng Sơn, Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp phòng, chống mua bán người ra nước ngoài”.
Hội thảo là dịp để Hội LHPN Việt Nam, Bộ Công an và các Bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan cùng đánh giá, khái quát thực trạng, xu hướng, đồng thời nêu lên những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp hiệu quả trong truyền thông, đấu tranh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, phổ biến giáo dục pháp luật, hợp tác quốc tế... liên quan đến phòng, chống mua bán người nói chung, mua bán người ra nước ngoài nói riêng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra những giải pháp, chiến lược về công tác phòng chống tội phạm mua bán người ra nước ngoài tại Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ công an, tại Việt Nam, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra 1.059 vụ, với 1.432 đối tượng, lừa bán 2.674 nạn nhân. So với giai đoạn trước, giảm cả về số vụ, đối tượng và nạn nhân. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp…
Đánh giá về tình hình và nguyên nhân tình trạng mua bán người, các đại biểu dự Hội thảo cho rằng các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Các đối tượng còn lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, thông qua mạng xã hội làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Những hành vi này có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam... Ngoài ra, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp.
Hội thảo “Bàn giải pháp phòng, chống mua bán người ra nước ngoài”
Các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam câu kết với đối tượng cò mồi, môi giới tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài lao động. Khi đến nước sở tại, chúng giữ giấy tờ tùy thân để cưỡng bức lao động, dụ dỗ, lôi kéo những người có nhu cầu xuất khẩu lao động với chi phí thấp, mức lương cao, thủ tục đơn giản, tổ chức xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó đem bán để cưỡng bức lao động...
Các đại biểu cho rằng, để phòng chống tình trạng mua bán người thì việc xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người, tệ nạn xã hội là rất cần thiết. Cùng với đó là cần quan tâm hơn nữa tới công tác xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho người dân, qua đó hạn chế tình trạng đồng bào bị dụ dỗ ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, các lực lượng chức năng cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn tình trạng mua bán người ra nước ngoài ngay từ địa bàn bản, làng, xã, thôn. Đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng chống mua, bán người./.
Ngọc Linh