Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Tỉ lệ trẻ em đuối nước tại Việt nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong lúc đó, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Vì vậy nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong thời gian tới, và hạn chế và giảm thiểu tối đa các trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích và đuối nước và xâm hại, ngày 20/4/2021 Ủy ban quốc gia về trẻ em đã có Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em”; UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 1772/UBND-VX, ngày 11/5/2021 chỉ đạo và yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện “việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em”.
Quảng Trị là tỉnh có bờ biển trải dài với nhiều bãi tắm, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt, nhiều nơi nước sâu nguy hiểm nhưng chưa có biển báo, rào chắn; một số đơn vị thi công các công trình còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm khi không làm hàng rào, biển cảnh báo gần khu vực hố sâu nguy hiểm nên rất dễ xảy ra đuối nước. Thời gian qua, công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh ta nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng được nâng lên đáng kể. Các cấp, các ngành trên địa bàn toàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, lắp đặt pano, áp phích nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão và mùa nước lụt; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp, tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn” nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; phối hợp rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Có thể khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em như sự tò mò, hiếu động, nghịch ngợm và khả năng bảo vệ bản thân chưa được hình thành vì độ tuổi đang còn nhỏ; nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ còn chưa đúng mức, từ đó mà trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của gia đình và người chăm sóc. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế, việc dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng… Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kĩ năng phòng, chống tai nạn đuối nước chưa được chú trọng đúng mức. Ở khu vực nông thôn miền núi, nhiều phụ huynh vẫn còn thờ ơ, chủ quan, thiếu sự quan tâm đến an toàn của con trẻ; những kiến thức, kĩ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước cũng hạn chế cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Xác định vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ em có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, việc nghỉ học của học sinh có khả năng sẽ kéo dài hơn vì vậy, để thực hiện tốt Công điện số 01 của Ủy ban quốc gia về trẻ em “Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em” và Công văn số 1772/UBND-VX, ngày 11/5/2021 của UBND tỉnh “về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em”, và để không còn những những cái chết thương tâm của nhiều trẻ em khi mùa hè đến, trước hết các ủy đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích nhất là phòng, chống đuối nước trẻ em. Xác định việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông suối, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, bản, xóm, tổ dân phố, khu dân cư, giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn, thương tích, đuối nước. Đồng thời, triển khai, mở rộng việc dạy kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho trẻ em. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương.
Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các cấp, các ngành;
Bên cạnh đó nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu như: cộng đồng an toàn, trường học an toàn, ngôi nhà an toàn nhằm mục đích giảm thiểu đến mức thấp nhất các nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ em; tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2020; vận động nguồn kinh phí xây dựng các sân chơi, điểm sinh hoạt hè an toàn cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Có thể nói, tỷ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích nói chung, tử vong do tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ở bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu đối với trẻ em. Vì vậy, đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, việc cần thiết nhất chính là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh để cảnh giác, quan tâm đến con em mình nhiều hơn, qua đó góp phần hạn chế xảy ra những vụ việc đau lòng đối với trẻ em như thời gian qua. Hải Đăng