Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đồng chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Võ Văn Thưởng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, 
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: K.T)

Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Thanh Bình đã trình bày một số vấn đề trong việc triển khai nghị quyết  của Đảng về văn hóa, giáo dục. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và các chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, Ủy ban đã quán triệt các quan điểm của Đảng trong việc xây dựng pháp luật và các hoạt động giám sát. Tuy nhiên các diễn biến xã hội trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, đặc biệt với sự hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới, việc bùng nổ về các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội, thực trạng đời sống và văn hóa Việt Nam đang xảy ra những vấn đề đáng lo ngại.

Về văn hóa, nhiều di sản văn hóa truyền thống, nhất là di sản văn hóa của các dân tộc ít người đang đứng trước nguy cơ mai một. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích chưa đúng tầm còn khá phổ biến gây bức xúc trong dư luận. Các lễ hội, tín ngưỡng đang có hiện tượng thương mại hóa, mê tín chiều hướng gia tăng. Hiện hữu nguy cơ xâm nhập về văn hóa của các nước một cách mạnh mẽ. Ít tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị nghệ thuật và tư tưởng cao. Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở chưa thật sự đi vào chiều sâu. Hệ thống thiết chế văn hóa cấp xã xây dựng tốn kém nhưng hoạt động kém hiệu quả. Đời sống tinh thần của nhân dân các vùng khó khăn, đặc biệt là đội ngũ công nhân trong các khu công nghiệp nghèo nàn, đơn điệu.

Về thông tin truyền thông, xuất bản, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực báo chí, thông tin mạng, đưa thông tin sai sự thật, thông tin bôi nhọ, phản động vẫn còn nhiều, phức tạp mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý quyết liệt. Sự phát triển của mạng xã hội gây không ít khó khăn, thách thức cho vai trò của báo chí chính thống. Việc triển khai Đề án quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới báo chí toàn quốc mới chỉ thực hiện thí điểm, đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập so với thực tiễn. Đa số các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ.

Trong việc tập trung giám sát việc triển khai Nghị Quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có thể nhận định, sau hơn ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW, việc đổi mới giáo dục đã có được một số kết quả bước đầu, song cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập.

Về quản lý giáo dục, việc thể chế các chính sách của Đảng vào hệ thống pháp luật còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc xây dựng đề án và chiến lược đổi mới, phát triển giáo dục chưa đồng bộ.

Tình trạng thiếu dân chủ và hạn chế về tự chủ phổ biến trong các cơ sở giáo dục. Quản trị đại học còn nhiều hạn chế. Tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị đại học trong cơ sở giáo dục đại học; chưa có Hội đồng trường đúng nghĩa. Thực hiện tự chủ chưa gắn với  trách nhiệm giải trình xã hội.

Nhà nước đang lúng túng trong quản lý, phát triển hệ thống các trường ngoài công lập; chưa có quy hoạch cho phát triển khu vực tư thục trong toàn hệ thống giáo dục. Định hướng phân luồng, liên thông chỉ đạo triển khai trong thực tiễn hầu như chưa tạo được chuyển biến.

Về đầu tư cho giáo dục, việc phân bổ tài chính cho giáo dục còn dàn trải. Việc thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Việc vận động, thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ, vay vốn nước ngoài chưa hiệu quả.

Về đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng, hạn chế chất lượng, bất cập về cơ cấu. Công tác đào tạo, tuyển dụng chưa phù hợp với thực tiễn ngành giáo dục.

Về chất lượng giáo dục, chất lượng giáo dục đại trà chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Kiến thức cơ bản về xã hội, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế. Vẫn còn khoảng cách lớn về chất lượng giáo dục giữa giáo dục ở vùng thành thị và nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ thực trạng nêu trên, các đại biểu của hai cơ quan đã thảo luận, trao đổi, tìm ra nguyên nhân của vấn đề còn tồn tại. Các đại biểu khẳng định, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và Nghị quyết số 29, đã có một số kết quả bước đầu, song cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và những hành động mạnh mẽ hơn của Chính phủ; sự giám sát chặt chẽ hơn của Quốc hội. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tập trung chỉ đạo một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quán triệt nhận thức văn hóa là nền tảng của phát triển quốc gia, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Văn hóa là nền tảng của giáo dục và từ giáo dục để phát triển văn hóa. Quán triệt một cách sâu sắc Nghị quyết 29/NQ-TW và Nghị quyết số 33-NQ/TW trong các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền.

Thứ hai, hình thành cơ chế chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả từ tổ chức Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến các cơ quan đoàn thể trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa, giáo dục thật sự là những nhà văn hóa, những nhà giáo dục thật sự. Không để tình trạng từ nhận thức đi đến việc phân công cán bộ một cách tùy tiện, quản lý văn hóa, giáo dục nhưng chưa thật sự hiểu văn hóa, giáo dục.

Thứ tư, đánh giá một cách nghiêm túc công tác tài chính, có tỷ lệ đầu tư thích đáng và hiệu quả ngân sách, có chính sách tài chính (xã hội hóa) cho phát triển văn hóa và giáo dục.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, buổi làm việc đầu tiên của hai cơ quan trong nhiệm kỳ này đã đạt được yêu cầu đề ra như: Thông tin về công tác phối hợp, kết quả chủ yếu trong tác tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Ban Tuyên giáo Trung ương và một số vấn đề thẩm tra, giám sát, trình dự án luật, việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục; đặc biệt, từ việc dự báo tình hình, đánh giá những yêu cầu có tính chiến lược đang đặt ra trong phát triển, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; thống nhất yêu cầu, định hướng tăng cường phối hợp theo chức năng nhiệm vụ của mỗi bên.

Buổi làm việc này cũng tạo tiền đề cho hai cơ quan thúc đẩy tốt hơn sự phối hợp, phát huy tối đa trách nhiệm của từng cơ quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tạo thành động lực chung, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, giáo dục, xây dựng con người, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa, giáo dục, công tác thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của nước ta sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội để mở rộng giao lưu, tiếp thu giá trị tiến bộ của văn hóa, giáo dục của các dân tộc khác; làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc, chất lượng giáo dục được nâng cao. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập, xu thế phát triển thời đại mới, có không ít những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác của hai cơ quan. Vì vậy, đòi hỏi hai cơ quan phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nâng cao khả năng, phương pháp giải quyết vấn đề để  làm tốt hơn công việc, với tinh thần cao nhất là hoàn thành nhiệm vụ trước nhân dân, trước Đảng, trước Nhà nước. Để hoàn thành tốt công việc đó, cần phải quán triệt những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những vấn đề mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cũng như các nghị quyết Trung ương đã chỉ ra trong vấn đề văn hóa, giáo dục, thông tin – truyền thông, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng lưu ý một số vấn đề mà hai cơ quan cần phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới; đó là: việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; liên quan tới công tác thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội; liên quan tới vấn đề thông tin truyền thông,

Xung quanh cơ chế phối hợp, đồng chí Võ Văn Thưởng cũng đề nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; giữa các vụ, đơn vị của Ban với các tiểu ban của Ủy ban; hàng năm có tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được và những việc còn tồn tại; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề…/.

K.T