|
Các lực lượng công an, biên phòng, hải quan, cảnh sát biển phối hợp bắt giữ nhiều chuyên án ma túy lớn
|
Ngày 9/10/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển (Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg).
Trải qua 19 năm thực hiện, công tác phòng, chống ma tuý đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng như: Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng phối hợp tiếp tục được nâng lên, phát huy được vai trò chủ công, nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, gắn bó chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển nói riêng; đã phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng, không để tội phạm ma túy hoạt động lộng hành, phức tạp, kéo dài.
Công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung đã có nhiều chuyển biến tích cực và phát huy hiệu quả; đã thường xuyên hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ của từng lực lượng; việc mở rộng mối quan hệ phối hợp với lực lượng chức năng các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia, Hoa Kỳ, Australia được tăng cường…
Tuy nhiên, tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp. Tình trạng vận chuyển trái phép ma tuý qua biên giới vẫn có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2014 đến nay; nhiều đường dây vận chuyển trái phép ma túy số lượng lớn hàng trăm bánh heroin, hàng trăm cân ma túy tổng hợp từ nước ngoài vào Việt Nam ở khu vực biên giới vẫn chưa bị phát hiện.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng bộc lộ nhiều bất cập, nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Việc giải quyết các địa bàn, tuyến phức tạp về ma túy vẫn chưa triệt để, hiệu quả hợp tác trong việc phát hiện, ngăn chặn sự gia tăng người nghiện ma tuý mới và tổ chức cai nghiện ma tuý còn nhiều hạn chế, bất cập. Công tác phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, xử lý tội phạm có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức.
Ở một số vụ án, các lực lượng phát hiện, bắt giữ trước khi chuyển giao cho cơ quan điều tra theo thẩm quyền thiếu sự phối hợp từ đầu, gây khó khăn cho việc điều tra mở rộng, bắt giữ đối tượng liên quan. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của mỗi lực lượng có sự khác nhau và thay đổi qua từng giai đoạn, trong khi đó, hành lang pháp lý, nhất là cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chưa phù hợp, còn chồng chéo, trùng dẫm, chậm được bổ sung, hoàn thiện. Một số văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg đã hết hiệu lực hoặc được thay thế, sửa đổi, bổ sung, cần được cập nhật.
Trước tình hình đó, Bộ Công an đang chủ trì dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, trong đó có nội dung quan trọng là quy định về việc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.
Theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND bao gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an; phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (hoặc đội có chức năng điều tra tội phạm về ma túy) huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc bộ đội biên phòng bao gồm: Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng; phòng phòng, chống ma túy và tội phạm, đội đặc nhiệm phòng, chống ma túy thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc cảnh sát biển bao gồm: Cục Nghiệp vụ và pháp luật, các đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng; phòng phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc các vùng cảnh sát biển.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc hải quan bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính; đội kiểm soát phòng, chống ma túy thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.
Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự đoàn kết, hiệp đồng, hỗ trợ, không gây cản trở lẫn nhau.
Mỗi khu vực, địa bàn do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ.
Việc trao đổi thông tin tội phạm, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm kịp thời, chính xác, đúng quy định bảo vệ bí mật nhà nước và biện pháp nghiệp vụ của từng cơ quan.
Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc CAND là nòng cốt trong các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan chuyên trách thuộc CAND có trách nhiệm thông báo ngay khi có thông tin, tài liệu về hoạt động của tội phạm về ma túy có liên quan đến khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển cho cơ quan chuyên trách thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan biết để phối hợp giải quyết.
Cơ quan chuyên trách thuộc bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan có trách nhiệm thông báo ngay khi có thông tin tài liệu về hoạt động của tội phạm ma túy liên quan nội địa cho cơ quan chuyên trách thuộc CAND và cơ quan khác có liên quan biết để phối hợp giải quyết.
Các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy phối hợp tổ chức lực lượng, phương tiện áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy; tư vấn, trao đổi nghiệp vụ chuyên môn để xử lý vụ án, vụ việc theo yêu cầu...
Hoàng Giang