Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết.

Chiều 14/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương tổ chức Lễ ký Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và Ban Tuyên giáo Trung ương  giai đoạn 2021 -2026. Đây là việc làm cụ thể nhằm thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Quy chế phối hợp giữa Ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm”.

Dự Lễ ký kết có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Thông tin Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết, đồng chí Nghuyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng; việc ký kết chương trình phối hợp sẽ giúp Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường công tác phối hợp với Bộ Công Thương trong thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm trong ngành Công Thương được nhân dân quan tâm. Để triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp giai đoạn 2021 – 2026, đồng chí đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể cho từng năm, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Đồng chí tin tưởng việc triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp sẽ giải quyết tốt các vấn đề nổi cộm mà nhân dân quan tâm trong lĩnh vực công thương. Từ đó giúp ngăn chặn, phòng ngừa, không để xảy ra sự việc nóng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội mà Bộ Công Thương được Đảng và Nhà nước giao phó.

Mục đích của Chương trình ký kết giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công Thương trong công tác định hướng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các lĩnh vực ngành Công Thương. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Tuyên giáo và ngành Công Thương bằng các chương trình phối hợp và hoạt động cụ thể theo chức năng nhiệm vụ mỗi cơ quan. Định kỳ đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình phối hợp, kịp thời bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Hình ảnh tại Lễ ký kết. 

Nội dung phối hợp bao gồm: Thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của ngành Công Thương. Phối hợp cung cấp kịp thời các thông tin, tài liệu chính thống, chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, địa bàn trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương có thể bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bôi nhọ để làm căn cứ, luận cứ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ.

Tăng cường công tác dự báo, định hướng dư luận xã hội đối với những vấn đề có tính chất quan trọng nhạy cảm, phức tạp liên quan đến ngành Công Thương có thể tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những lĩnh vực có tác động trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp như: năng lượng, giá điện, an ninh cung cấp điện, các dự án quy hoạch điện, các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), giá xăng dầu, an toàn môi trường.

Phản ánh kịp thời công tác điều hành của Bộ Công Thương về đảm bảo cung cầu, phát triển thị trường trong nước; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; hoạt động sản xuất công nghiệp; triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, ô tô, chế biến, chế tạo.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông về các kết quả hoạt động nổi bật của Bộ Công Thương trong công tác điều hành nhằm phát triển thị trường nước ngoài, công tác điều hành, xử lý các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, xuất xứ hàng hoá; các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Tăng cường phổ biến thông tin về các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ký kết; hoạt động phòng vệ thương mại bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất, xuất khẩu: hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kết quả xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh; hoạt động thực thi pháp luật cạnh tranh; công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tăng cường phối hợp tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về pháp luật cạnh tranh; phối hợp tổ chức các chương trình cung cấp thông tin cơ bản về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí./.

 
Tin, ảnh: KC