Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh,
Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin/Việt Nam ký kết chương trình phối hợp (Ảnh:KS)
Theo Chương trình, trong giai đoạn 5 năm tới, hai bên sẽ phối hợp triển khai tập trung vào 5 mục tiêu: (1) Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam; về các chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học…(2) Phối hợp rà soát, thống kê người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở xây dựng, sửa đổi chính sách, đề xuất cơ chế giải quyết những vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. (3) Phối hợp về việc chăm sóc, giúp đỡ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng Người có công và nạn nhân chất độc hóa học đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội… (4) Hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin có thu nhập để ổn định đời sống, từng bước hòa nhập cộng đồng. Phối hợp tổ chức đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất thiết bị đào tạo đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Hội đạt chuẩn theo qui định và phù hợp với hoạt động đào tạo nghề đối với đối tượng là nạn nhân chất độc da cam/dioxin…(5) Mở rộng các hoạt động đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu hơn về hậu quả chất động hóa học tại Việt Nam, tăng cường vận động nguồn lực và sự đồng thuận của quốc tế trong trợ giúp, khắc phục hậu quả chất độc hóa học tại Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao những hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam thời gian qua. Bộ trưởng cho rằng, nhiều sáng kiến của Hội đã có hiệu quả cao và trở thành mô hình rộng khắp trên toàn quốc. Đặc biệt, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều phối hợp nhằm góp phần đưa chính sách về nạn nhân da cam đến gần hơn với cuộc sống. Trong đó, hai bên đã thực hiện tốt các mặt công tác về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người tham gia hoạt động kháng chiến, con đẻ của họ và nhân dân bị nhiễm chất độc hóa học. Sự phối hợp giữa hai cơ quan đã đạt hiệu quả thông qua các hoạt động chính trị, xã hội, các chương trình chăm lo giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung giải quyết một số vấn đề như: sửa đổi toàn bộ Pháp lệnh Người có công vì trong đó còn nhiều đối tượng chưa được cập nhật và bổ sung để hưởng đúng chính sách. Bên cạnh đó, xem xét và phân loại hồ sơ còn tồn đọng để xây dựng kế hoạch tổng thể khảo sát, điều tra đánh giá được số liệu chính thức; rà soát lại các cơ sở bảo trợ đang chăm sóc nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam; đề suất với Tổng Cục dạy nghề những nghề phù hợp để đào tạo cho nạn nhân chất độc da cam...Sau Lễ ký kết, Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin/Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ cần cụ thể hóa chương trình phối hợp bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả ngay trong năm 2018./.
Kim Sơn