Các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Huyền)
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong năm 2016, các cơ quan đã chủ động trong việc phối hợp nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về cơ chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; phối hợp có hiệu quả trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan thường xuyên trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho cơ quan phối hợp, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp liên ngành tư pháp Trung ương và địa phương để tập trung, thống nhất chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo xử lý 227 vụ việc, vụ án thuộc 3 cấp độ trên phạm vi toàn quốc. Một số vụ án lớn được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, có tác dụng giáo dục, răn đe đối với hành vi tham nhũng.
Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án các cấp đã tập trung thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực của ngành và các kết luận của Ban Chỉ đạo. Ban Nội chính Trung ương-cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo từng bước thực hiện có hiệu quả vai trò điều phối giúp các cơ quan phối hợp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; chủ động nắm bắt tình hình, khó khăn, vướng mắc để tham mưu Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý, phù hợp với tình hình; bảo đảm được các yếu tố chính trị, pháp lý, đủ nghiêm để răn đe, giáo dục, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao. Bên cạnh đó, đã cùng với các cơ quan phối hợp tham mưu giúp Ban Chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện một số kế hoạch công tác lớn…
Đặc biệt, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ Ban Chỉ đạo tổ chức 3 phiên họp, thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức 3 cuộc họp để chỉ đạo xử lý đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 11 vụ/169 bị can.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã truy tố, xét xử sơ thẩm 8 vụ/121 bị cáo, xét xử phúc thẩm 7 vụ/52 bị cáo; các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử sơ thẩm 3 vụ/10 bị cáo, xét xử phúc thẩm 2 vụ/3 bị cáo. Các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, đến nay các cơ quan đã phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý và kết thúc xử lý 100 vụ án, vụ việc, đang tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo xử lý 165 vụ án, vụ việc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề liên quan để công tác phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những thành tích mà các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và Ban Nội chính Trung ương đã đạt được thời gian qua.
Nêu những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Quy chế về: công tác phối hợp trao đổi thông tin; đấu tranh phòng, chống tham nhũng...., đồng chí Tô Lâm đề nghị các cơ quan cần nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả.
Trong thời gian tới, đồng chí Tô Lâm nêu rõ cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 17/4/2017, tập trung khắc phục hạn chế, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao hơn của các cơ quan tố tụng; phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp với quyết tâm chính trị cao nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; triển khai có hiệu quả Chương trình công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2017; phối hợp, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”, “Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”…
Ban Nội chính Trung ương cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường phối hợp rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản của Đảng và các quy định của pháp luật liên quan đến công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đặc biệt là vấn đề giám định thiệt hại, định giá tài sản, thu hồi tài sản, tương trợ tư pháp trong việc dẫn độ, thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài…
Đồng chí Tô Lâm cũng cho rằng, cần tăng cường phối hợp cấp lãnh đạo ở các cơ quan tiến hành tố tụng với Ban Nội chính Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài; những vấn đề vướng mắc ở cấp chuyên viên, cấp vụ, cục thì lãnh đạo liên ngành cần sớm phối hợp để giải quyết theo hướng cơ quan nào thụ lý thì lãnh đạo cơ quan đó chủ trì họp lãnh đạo liên ngành. Việc tổ chức họp liên ngành nhằm thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật, bảo đảm xử lý vụ án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhưng đảm bảo không can thiệp đến tính độc lập của từng cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng phối hợp trong công tác tổng kết đánh giá về công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án lớn, phức tạp đã được xử lý dứt điểm thời gian, để rút ra những bài học kinh nghiệm trong phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó có biện pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện các Quy chế phối hợp trong thời gian tới. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành chính sách bảo vệ, khen thưởng phù hợp đối với các cá nhân, tổ chức có thành tích trong phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng và điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị các cơ quan phối hợp triển khai hiệu quả 8 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch 64 của Ban Chỉ đạo; phối hợp tổng kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ này của Ban Chỉ đạo. Các cơ quan tăng cường phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nội chính địa phương nói chung, các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng xử lý tình hình nổi lên về an ninh - trật tự, những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc về nội chính và tham nhũng.../.
Hòa – Huyền