Tăng cường nguồn lực cho công tác hộ tịch 

(ĐCSVN) – Trong năm 2023, một trong nhiệm vụ đặt ra là chú trọng việc nâng cấp máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, đẩy nhanh hoạt động số hoá Sổ hộ tịch tại các địa phương; bảo đảm sự ổn định về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu công việc.

Thể chế về hộ tịch ngày càng hoàn thiện

Theo Bộ Tư pháp, năm 2022, thể chế trong công tác hộ tịch tiếp tục được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu, chủ trương cải cách hành chính.

Đáng chú ý, từ ngày 1/1/2023, theo quy định của Luật Cư trú, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ hết hiệu lực, thực hiện trách nhiệm được giao, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã tiến hành rà soát 05 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch đang có hiệu lực thi hành; ban hành theo trình tự thủ tục rút gọn Thông tư số 09 bãi bỏ một số nội dung tại các Thông tư trong lĩnh vực hộ tịch, trợ giúp pháp lý (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023). Theo đó, Thông tư số 09/2022/TT-BTP đã bãi bỏ nội dung “Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” tại khoản 1 Điều 8 và điểm b khoản 3 Điều 9 quy định về đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân, đăng ký lại khai sinh. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch được tiến hành khẩn trương, kịp thời, đáp ứng yêu cầu triển khai quy định của Luật Cư trú về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong thủ tục đăng ký hộ tịch.

Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022 công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, theo đó, khi đăng ký hộ tịch, người yêu cầu không phải xuất trình Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.

Có thể thấy, pháp luật về hộ tịch đã đi trước và sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ các dữ liệu, thông tin đã có với các cơ sở dữ liệu để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là việc không yêu cầu xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú đối với trường hợp thông tin về giấy tờ chứng minh nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC).

Gần 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại

Ảnh minh họa. Nguồn: TL. 

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tư pháp cũng đã phê duyệt và triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử” (CSDLHTĐT). CSDLHTĐT toàn quốc với cốt lõi là Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung được xây dựng và chính thức vận hành ngay từ ngày Luật có hiệu lực - 01/01/2016.

Sau 06 năm vận hành, phần mềm đã được triển khai tại tất cả các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc đã đem lại thay đổi mạnh mẽ trong công tác hộ tịch, đáp ứng và giải quyết tốt nhu cầu về đăng ký hộ tịch của người dân, hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; từng bước kết nối, chia sẻ với CSDLQGVDC (dữ liệu khai sinh) và CSDLQG về Bảo hiểm (liên thông các thủ tục khai sinh, cấp Thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi); sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các Cơ sở dữ liệu khác theo quy định.

Trong năm 2022, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với gần 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại, bao gồm: gần 36,4 dữ liệu đăng ký khai sinh (trong đó có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư); hơn 8 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; gần 6,1 triệu dữ liệu đăng ký khai tử và hơn 7,8 triệu dữ liệu đăng ký các sự kiện hộ tịch khác.

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC

Việc triển khai Đề án số 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ và các cơ quan tư pháp địa phương chú trọng, thực hiện quyết liệt, theo đúng lộ trình với tinh thần lấy người dân làm trung tâm, tất cả vì người dân.

Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tái cấu trúc quy trình đăng ký trực tuyến 3 dịch vụ công thiết yếu trong lĩnh vực hộ tịch: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử theo hướng: cho phép sử dụng dữ liệu công dân, bao gồm dữ liệu về cư trú trong CSDLQGVDC thay thế việc nộp/xuất trình thành phần hồ sơ là giấy tờ chứng minh nơi cư trú (không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú mà cần khai thác thông tin trong CSDLQGVDC).

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống kỹ thuật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thông tin giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ Công an xây dựng và ban hành Quy trình đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa CSDLQGVDC với CSDLHTĐT (Quy trình số 1050/HTQTCT-QLHC ngày 09/11/2022). Theo Quy trình này, Bộ Công an sẽ thực hiện rà soát, đối chiếu dữ liệu đăng ký hộ tịch của công dân trong CSDLHTĐT với dữ liệu công dân trong CSDLQGVDC, phát hiện các trường hợp có sai lệch, lập Danh sách riêng và thống nhất với Bộ Tư pháp về hướng xử lý, sau đó gửi và hướng dẫn cơ quan tư pháp, công an cơ sở thực hiện, điều chỉnh theo quy định, bảo đảm dữ liệu công dân trong 02 CSDL chính xác, thống nhất, đồng bộ.

Ở các địa phương, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp (Công văn số 496/BTP-HTQTCT ngày 22/02/2022), Sở Tư pháp đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan đăng ký hộ tịch chủ động, thường xuyên rà soát, đối chiếu dữ liệu hộ tịch trong CSDLHTĐT với Sổ đăng ký hộ tịch, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư 01/2022/TT-BTP đối với các trường hợp dữ liệu trong CSDLHT có sai sót, bảo đảm dữ liệu thống nhất. Theo báo cáo của một số Sở Tư pháp thực hiện thí điểm (Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh) thì tỷ lệ trường hợp có sai sót tương đối thấp, chủ yếu là các trường hợp lỗi do nhập dữ liệu.

Đẩy nhanh hoạt động số hoá Sổ hộ tịch tại các địa phương

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, việc triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch của các địa phương chưa đồng bộ, vẫn còn 23 tỉnh mới ban hành Kế hoạch, chưa triển khai; trong số 40 tỉnh đã và đang triển khai thì cũng thực hiện không đồng bộ; hiện mới chỉ có dữ liệu của thành phố Hồ Chí Minh được đưa vào khai thác, sử dụng, còn lại hầu hết các tỉnh đang ở giai đoạn rà soát, chờ phê duyệt.

Bên cạnh đó, đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại một số địa phương còn yếu và thiếu so với nhiệm vụ được giao, nhất là đòi hỏi về trình độ trong giai đoạn chuyển đổi số như hiện nay; vẫn còn tình trạng công chức làm công tác hộ tịch chưa bảo đảm trình độ chuyên môn luật, số khác do luân chuyển, bố trí nhân sự mới nên vẫn còn tỷ lệ không nhỏ công chức làm công tác hộ tịch chưa được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho hay, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, trong đó có việc thực hiện Đề án 06, Bộ Tư pháp cho rằng, cần khẩn trương nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện Dự án xây dựng CSDLHT, bảo đảm CSDLHT là Cơ sở dữ liệu “lõi” của ngành, đáp ứng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQGVDC và các CSDL khác, đồng thời, đáp ứng các nghiệp vụ đăng ký, quản lý hộ tịch trên toàn quốc.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đề nghị UBND cấp tỉnh quán triệt, truyền thông sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đề án 06, quyền lợi, trách nhiệm của công dân trong đăng ký hộ tịch, vai trò của dữ liệu hộ tịch trong việc cung cấp thông tin đầu vào cho CSDLQGVDC; chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn tăng cường phối hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ đăng ký hộ tịch trực tuyến một cách thực chất, đúng theo nhu cầu của người dân; chỉ đạo Sở Tư pháp thường xuyên kiểm tra, rà soát, đối chiếu bảo đảm dữ liệu hộ tịch chính xác, đầy đủ và được cập nhật đồng bộ sang CSDLQGVDC theo quy định; đặc biệt, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP, trong đó chú trọng việc bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký hộ tịch, đẩy nhanh hoạt động số hoá Sổ hộ tịch tại các địa phương; bảo đảm sự ổn định về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc.

Tính đến ngày 28/11/2022, đã có 49/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Quyết định tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh (ĐKKS), đăng ký khai tử (ĐKKT), đăng ký kết hôn (ĐKKH) trực tuyến. Các tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tỉnh với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, 63/63 tỉnh, thành phố đã tích hợp cung cấp thủ tục ĐKKS, 62/63 tỉnh, thành phố đã cung cấp thủ tục ĐKKH và ĐKKT trên Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện số hóa Sổ hộ tịch, số Sổ hộ tịch đã được số hóa là 2.524.892 sổ với trên 29 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào CSDLHTĐT trên 22 triệu dữ liệu. 

 
Vy Anh
221 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 860
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 860
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87209745