|
Đại diện Tổng cục Hải quan giải đáp về Thông tư 38. Ảnh: VGP/Anh Minh |
Quan điểm trên được nhấn mạnh tại họp báo chuyên đề của Tổng cục Hải quan giới thiệu về Thông tư 38/2018/TT-BTC quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Ông Nguyễn Nhất Kha, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý -Tổng cục Hải Quan cho biết, đây là lần đầu tiên lĩnh vực xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có một đầu mối văn bản riêng, qua đó giúp cơ quan hải quan và doanh nghiệp thuận lợi trong việc tra cứu, xác định nguồn gốc hàng hóa.
“Việc ban hành Thông tư này cũng sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Nguyễn Nhất Kha nói.
Còn theo bà Hoàng Thị Thủy, Trưởng phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ - Cục Giám sát Quản lý - Tổng cục Hải Quan, Thông tư này quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chừng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Thông tư 38 cũng quy định việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Một trong những điểm mới của Thông tư này đó là quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với hàng hoá của doanh nghiệp ưu tiên.
Cụ thể, trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá tại thời điểm làm thủ tục hải quan, người khai hải quan thực hiện khai trên tờ khai hải quan theo quy định và được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Đối với C/O mẫu EAV nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan và C/O mẫu KV (VK) trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì nộp trong thời hạn 1 năm. Cơ quan hải quan tiếp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá và thực hiện kiểm tra theo quy định.
Ngoài ra, Điều 17 Thông tư 38 quy định về nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế.
Theo đó, khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa đối với hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế, người khai hải quan được nộp C/O. Quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa.
Ngoài ra, Điều 23, Thông tư 38 có quy định trừ lùi C/O nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để nhập khẩu nhiều lần vào nội địa
Theo đó, trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì được sử dụng C/O để lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho từng lần nhập khẩu vào nội địa và được áp dụng trừ lùi tại nhiều chi cục hải quan khác nhau.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Để thi hành Nghị định 59 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành liền 2 Thông tư. Đó là Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đôi với hàng hoá xuất, nhập khẩu và Thông tư 38.
Thông tư 38 và 39 có hiệu lực từ ngày 5/6/2018 cùng với Nghị định 59. Đây là các văn bản quy phạm pháp luật “xương sống”, là nền tảng cho toàn bộ thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Anh Minh