Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Mục đích ban hành kế hoạch nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phát huy các kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Công Thương về tầm quan trọng đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân và sự phát triển của đất nước; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương; đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Công khai doanh nghiệp vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo Kế hoạch, Bộ Công Thương giao Văn phòng Bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật về an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng, duy trì và phát triển chuyên mục “Khoa học và Công nghệ" trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương cùng sản xuất, đăng tải tin, bài ảnh và video cho chuyên mục.
Công khai trên phương tiện truyền thông các cơ sở sản xuất kinh doanh, các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, các đơn vị có thành tích trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, sản phẩm hàng hóa vi phạm về an ninh, an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin số điện thoại đường dây nóng và đầu mối nhận, xử lý phản ánh của tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức tập huấn về bảo đảm an toàn thực phẩm trong khâu phân phối; thực hiện việc kết nối thực phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lồng ghép trong các nội dung công tác thường xuyên, nhiệm vụ được giao như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", bình ổn thị trường, Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cục Xuất Nhập khẩu nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp xanh kinh tế tuần hoàn gắn với định hướng đáp ứng các yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tuyên truyền, cảnh báo đến người tiêu dùng về các website thương mại điện tử vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Cổng thông tin điện tử Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm
Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Tăng cường công tác truyền thông theo hướng cụ thể, thiết thực, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông giáo dục về an toàn thực phẩm, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Công khai thông tin các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, các vụ việc điển hình theo quy định.../.