Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)
Kế hoạch nhằm góp phần giảm thiểu các nguy cơ kháng thuốc cho cộng đồng liên quan tới việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản ở Việt Nam. Trong đó, kế hoạch hướng tới các mục tiêu cụ thể: Rà soát, sửa đổi các quy định và chính sách liên quan đến kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ về sự hình thành kháng kháng sinh cho cán bộ kỹ thuật, người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, người tiêu dùng; thực hiện các thực hành tốt trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực hành tốt trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản,…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để triển khai kế hoạch hành động hiệu quả, Bộ NN&PTNT tiếp tục tham mưu đề xuất với Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung ban hành các luật thế hệ mới, trong đó có Luật Thú y, Luật Thủy sản và Luật Chăn nuôi. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đã xây dựng sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ ban hành Nghị định 39 về quản lý thức ăn chăn nuôi, trong đó quản lý chặt chẽ thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh.
“Chúng ta đưa ra lộ trình đối với thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng với hạn cuối cùng được sử dụng là 31/12/2017. Và đối với thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh phòng chữa bệnh, hiện nay đã quy định đối với gia súc non; tới năm 2020 chấm dứt việc sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh phòng trị bệnh. Đặc biệt, tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Y tế tổng rà soát danh mục các thuốc kháng sinh dùng cho người và động vật. Trong đó, chia ra nhóm kháng sinh chỉ dùng cho người và nhóm kháng sinh chỉ dùng riêng cho động vật, hạn chế nhóm kháng sinh vừa dùng cho người và động vật nhằm đảm bảo khắc phục kháng kháng sinh” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm.
Khẳng định kháng kháng sinh đe doạ đến sức khoẻ và sinh kế của người dân Việt Nam, đe doạ tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và thực phẩm cũng như môi trường, ông JongHa Bae - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng, người chăn nuôi, bác sĩ thú y và người bán thuốc thú y cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách sử dụng, kinh doanh thuốc kháng sinh có trách nhiệm hơn, tìm ra các giải pháp thay thế để duy trì sức khoẻ và năng suất chăn nuôi thông qua các giải pháp cải thiện an toàn sinh học và các thực hành tốt trong chăn nuôi.
Theo đó, ở Việt Nam hiện nay, chưa có đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng kháng sinh cho các mục đích điều trị, phòng chống bệnh, kích thích tăng trưởng, kiểm soát nhiễm khuẩn, kiểm soát lây lan vi khuẩn kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chưa có kết nối giữa hệ thống giám sát thuốc kháng sinh trong y tế và nông nghiệp; còn hiện tượng lạm dụng kháng sinh trong việc phòng chống bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; lạm dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng,… Việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, việc trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản trong khi chưa được giám sát về chuyên môn là vấn đề đáng lo ngại ở Việt Nam./.
BT