Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) – Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên, tình hình còn khó khăn. Cần có những giải pháp đồng bộ từ khâu ban hành đến thực thi chính sách để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN).
Nâng cao khả năng hấp thụ vốn của DN quyết định sự phục hồi tăng trưởng - Ảnh 1.

Hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực DN: Khó khăn, thách thức và quyết tâm - Ảnh: VGP/HT

Ngày 22/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực DN: Khó khăn, thách thức và quyết tâm".

Nhiều chính sách hỗ trợ nhưng thực thi chưa đạt kỳ vọng

Tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.

Cụ thể, đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), NHNN đã chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường BĐS; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% - 2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng... 

NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra là 10.000 tỷ đồng) từ nguồn lực của chính ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của ngân hàng cho vay.

Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN để tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế...

Nhấn mạnh sự vào cuộc của chính sách tài khoá, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài chính-Bộ Tài chính khẳng định: Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế; Nghị quyết 11 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, trong đó có việc miễn giảm thuế phí GTGT xuống 8%, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường (BVMT) hay giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước... 

Đánh giá cao những chính sách hỗ trợ, nhưng TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, vẫn còn một số điểm nghẽn tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. DN khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa.

"Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ", bà Nguyễn Minh Thảo cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt giữa pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu, quy hoạch, tài nguyên môi trường, xây dựng... Đây là bất cập lớn được hầu hết các địa phương phản ánh. Ngoài ra, rào cản đăng ký kinh doanh cũng rất phổ biến.

Thực thi chính sách cần đồng bộ, tháo đúng điểm nghẽn

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: Các nghị quyết, công điện chỉ đạo liên tiếp cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ với việc hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thiếu sự đồng bộ khi thực thi chính sách. Ví dụ, các ngân hàng hạ lãi suất nhưng vẫn có các quy định khiến DN tốn kém chi phí, "tốc độ quyết định hành chính còn chậm so với tốc độ quyết định kinh doanh".

Dưới góc độ DN, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Kiêm tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: DN BĐS rất cần vốn tín dụng, nhưng vấn đề khó khăn nhất thực tế là pháp lý. Quy trình, trình tự, thủ tục hành chính, thực thi các văn bản pháp luật có sự chồng chéo, "đúng luật này, không đúng luật kia".

"Thống kê vướng mắc của DN cho thấy, 70% là vướng mắc pháp lý chứ không phải vấn đề vốn. Một khi có rào cản pháp lý thì có vốn trong tay cũng không dùng được", ông Đỗ Viết Chiến nói.

Ông Đỗ Viết Chiến phân tích thêm: Thực tế, Chính phủ đã thấy rõ vấn đề và đang có những chỉ đạo quyết liệt chưa từng có để các bộ, ngành, địa phương chung tay tháo gỡ khó khăn.

Nhận thức việc sửa đổi luật cần có thời gian và chờ Quốc hội thông qua, ông Đỗ Viết Chiến đánh giá cao cách làm tháo gỡ linh hoạt của lãnh đạo Chính phủ khi chỉ đạo tăng cường phối hợp sửa đổi các thông tư, làm một nghị định sửa nhiều nghị định, hay trình ban hành Nghị quyết, chứ không cần chờ theo trình tự làm các luật, rồi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn...

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Trong bối cảnh hiện nay, khó khăn còn kéo dài và biến động khó lường, đòi hỏi các chính sách đồng bộ, cũng như phối hợp thực thi trong quá trình triển khai.

Tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN đang rất khó khăn. NHNN vẫn hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với lãi suất hợp lý. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố. Bối cảnh này, các NHTM cần thể hiện  nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính, đồng thời nghiên cứu giảm các loại phí.

"NHNN cũng căn cứ tình hình thực tế điều chỉnh các chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ như các thông tư đã ban hành; tăng cường đối thoại với DN, chính quyền địa phương, các bộ ngành để có thể hỗ trợ DN hiệu quả hơn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đứng ở góc độ điều hành vĩ mô, nhiệm vụ thường xuyên của ngân hàng phải điều tiết tiền tệ, bảo đảm mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. "Tuy nhiều lúc có ngược chiều nhau nhưng những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hai mục tiêu này vẫn được bảo đảm", Phó Thống đốc nói.

Lãnh đạo NHNN cho rằng, cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng cũng không thể không kiểm soát an toàn của TCTD, vì đây là vấn đề an toàn, an ninh của tài chính quốc gia.

Huy Thắng

109 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 935
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 935
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87197006