Nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tỉ lệ nợ quá hạn và cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng, cách đây 6 năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chủ động triển khai dịch vụ tin nhắn SMS rộng rãi trên địa bàn nhằm đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi đến 100% khách hàng vay vốn của 8/8 phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện và hội sở tỉnh.
Gần đây, ứng dụng quản lý tín dụng chính sách (QLTDCS) đã được Chi nhánh NHCSXH tỉnh triển khai mạnh ở nhiều địa bàn. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đakrông Ngô Văn Bảo cho biết, tính đến giữa tháng 4/2023, sau 6 tháng triển khai thực hiện ứng dụng này đã có 259 đối tượng được hỗ trợ cài đặt.
Việc làm này giúp cán bộ phòng giao dịch huyện có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác tại phiên giao dịch ở xã. Số liệu hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các xã đều được cập nhật kịp thời trên ứng dụng.
Qua đó giúp các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, hội, đoàn thể nhận ủy thác nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mới đây, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã thực hiện triển khai, hướng dẫn và tuyên truyền dịch vụ Mobile Banking đến với tất cả khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, huyện Hướng Hóa là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn nên việc áp dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống không hề dễ dàng.
Vì vậy, để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước tiếp xúc với các phần mềm ứng dụng công nghệ trong giao dịch hằng ngày, nhất là vay tiền để phục vụ sản xuất, kinh doanh, cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa đã đến tận từng nhà triển khai dịch vụ Mobile Banking cho khách hàng.
Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa Hồ Văn Quân cho biết, lợi ích dịch vụ Mobile Banking của NHCSXH là khách hàng chỉ cần có điện thoại di động có kết nối internet, cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking là có thể sử dụng các dịch vụ phi tài chính và với giao diện dễ sử dụng sẽ mang đến nhiều tiện lợi, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng. Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại ngân hàng, đồng thời có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào. Hiện tại số lượng giao dịch qua hệ thống Mobile Banking tại phòng đạt 1.648 lượt với gần 24,3 tỉ đồng sau một thời gian ngắn thực hiện.
Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Đức Xuân Hương cho biết, để người nghèo và các đối tượng chính sách được sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, NHCSXH đã đưa chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ vào chiến lược phát triển, xác định dịch vụ ngân hàng được đưa đến với khách hàng tốt nhất, đảm bảo cho nhu cầu và mong muốn của khách hàng được đáp ứng trọn vẹn, hài lòng nhất.
Dịch vụ của ngân hàng phản ánh niềm tin của khách hàng. Sau một thời gian ngắn thực hiện, chi nhánh đã triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng QLTDCS được thực hiện cho 3.534/3.534 đối tượng, đạt 100%, bao gồm các trưởng ban và thành viên ban đại diện hội đồng quản trị các cấp; lãnh đạo và một số cán bộ làm công tác uỷ thác của 4 tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chủ tịch UBND cấp xã; trưởng thôn; tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Với dịch vụ Mobile Banking, đã cung cấp đến 3.894 khách hàng, trong đó 100% khách hàng là thành viên ban đại diện các cấp, cán bộ tổ chức hội nhận uỷ thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; 687 khách hàng vay vốn chương trình nhà ở xã hội và 747 khách hàng khác. Số lượng giao dịch qua hệ thống Mobile Banking là 8.126 món với gần 95 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai các dịch vụ chất lượng để phục vụ khách hàng còn gặp không ít khó khăn. Khách hàng của Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ yếu là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng điện thoại thông minh chưa nhiều nên chưa được thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ Mobile Banking.
Đối với ứng dụng QLTDCS do một số địa bàn thôn, xã xa trung tâm nên internet không ổn định dẫn đến trong quá trình cập nhật thông tin, số liệu, tình hình thu lãi và thu tiền gửi tiết kiệm của các thành viên trong tổ gặp khó khăn. Một số tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng điện thoại thông minh nên cần có sự giúp đỡ của người thân hoặc cán bộ NHCSXH.
Theo bà Trần Đức Xuân Hương, thời gian tới chi nhánh tập trung công tác tuyên truyền về việc tiếp tục triển khai dịch vụ Mobile Banking đến với tất cả các khách hàng trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Banking của NHCSXH.
Hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn và giải đáp những thông tin liên quan đến dịch vụ Mobile Banking cho khách hàng. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ Mobile Banking đúng quy định, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Tăng cường và duy trì ứng dụng QLTDCS để công tác quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng hiệu quả, minh bạch.
Chi nhánh tiếp tục tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các phần mềm mới của ngành chuyển giao góp phần đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng đối với khách hàng và hiện đại hóa công tác quản trị điều hành.
Tú Linh