Tăng cường kết nối giữa các quốc gia châu Á 

(ĐCSVN)- Hội thảo “Kết nối châu Á lần thứ VI” làm rõ hơn về vị thế của châu Á trên thế giới; đồng thời cung cấp nhiều thông tin có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn của châu Á trong đó có Việt Nam trong việc đề ra các chính sách phát triển và hội nhập phù hợp.

 

Sáng 4/12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Hội đồng Khoa học xã hội Hoa Kỳ đồng chủ trì Hội thảo “Kết nối châu Á lần thứ VI”.

Hội thảo “Kết nối châu Á lần thứ VI” với thông điệp chuyển tải đó là sự giao thoa của các chương trình nghiên cứu, xây dựng mạng lưới các nhà khoa học để đề xuất các phương thức kết nối mới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của châu Á, kết nối châu Á với toàn cầu.


Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: VA

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Hội thảo khoa học lần này là một trong những hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng của Viện Hàn lâm để các nhà khoa học của Việt Nam có dịp trao đổi học thuật với các nhà khoa học thế giới và khu vực, kết nối với cộng đồng khoa học quốc tế để bàn luận về những vấn đề của châu Á trong mối quan liên hệ chặt chẽ với các vấn đề toàn cầu và cũng để thế giới hiểu hơn về Việt Nam, về vai trò cũng như đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn chia sẻ, châu Á với bề dày phát triển về văn hóa, lịch sử, xã hội và kinh tế đang thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển chung của thế giới. Nhiều học giả nhận định xu thế kết nối và hợp tác qua lại giữa các quốc gia châu Á ngày càng được tăng cường. Xu thế kết nối này thể hiện rõ ở hai khía cạnh, đó là quan hệ hợp tác kinh tế xuyên biên giới và quá trình hội nhập và định vị lại trật tự thế giới của châu Á.

Với một số quốc gia năng động như Trung Quốc, Ấn Độ, các nền kinh tế công nghiệp mới (NIEs), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… châu Á đang là cỗ máy tăng trưởng của kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng trung bình 6% một năm trong vòng 25 năm qua. Các thành tựu đổi mới công nghệ của khu vực này như ô tô, điện thoại thông minh, robot, công nghệ sinh học, và năng lượng tái tạo đang mang lại những thay đổi nhanh chóng cho đời sống người dân trong khu vực và trên toàn thế giới.

Đồng thời, châu Á cũng là khu vực dẫn đầu thế giới trong công cuộc giảm nghèo; mức sống dân cư, các kết quả về giáo dục và sức khỏe cũng đang được cải thiện đáng kể. Chính sự kết nối và ảnh hưởng qua lại ngày càng tăng ở châu Á đang tác động đáng kể tới thế giới và ngược lại, châu Á cũng đang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các quá trình phát triển toàn cầu.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tin tưởng kết quả của Hội thảo sẽ làm rõ hơn về vị thế của châu Á trên thế giới; đồng thời cung cấp nhiều thông tin có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn của châu Á trong đó có Việt Nam trong việc đề ra các chính sách phát triển và hội nhập phù hợp.

Mỹ Anh

337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 879
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 879
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214892