Tăng cường kỷ luật ngân sách, gia tăng tiềm lực quốc gia 

(Chinhphu.vn) – Năm 2019, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các hạn chế, trong đó một trọng tâm là tăng cường kỷ luật ngân sách.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Nhân dịp xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có những phân tích, đánh giá về kết quả trong năm 2018 và những nhiệm vụ, mục tiêu và thách thức trong thời gian tới.

Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong năm 2018 vừa qua?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Từ đầu năm, để triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương để làm tốt công tác quản lý thu, chú trọng khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế (cả đối tượng và địa bàn); đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại; quyết liệt xử lý nợ thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế... Đồng thời chú trọng cải cách hành chính, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.

Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện chủ động, tích cực, với phương châm chặt chẽ, tiết kiệm xuyên suốt từ khâu phân bổ dự toán cho đến quá trình thực hiện. Các bộ, ngành và địa phương đã chủ động rà soát, sắp xếp, thực hiện chi, gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện mua sắm tài sản công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tăng cường công khai, minh bạch sử dụng NSNN.

Cùng với kinh tế tăng trưởng cao hơn kế hoạch, kết hợp với các giải pháp đã thực hiện, thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán, trong đó thu ngân sách Trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5%; tỷ lệ động viên đạt khoảng 25,7% GDP, riêng thuế và phí trên 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP); tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN đạt 80,6% (năm 2015 là 75%). Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là 25-26%), tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn dưới 62% tổng chi NSNN…

Bội chi NSNN năm 2018 dưới 3,6%GDP (dự toán là 3,7% GDP); nợ công khoảng 61% GDP. Quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay tiếp tục được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.

Chúng tôi cũng tích cực hoàn thiện thể chế chính sách lĩnh vực tài chính - NSNN. Năm 2018, lãnh đạo Bộ Tài chính thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 nghị quyết. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 48/53 đề án (gồm: 25 nghị định, 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 13 đề án khác); ban hành theo thẩm quyền 130 thông tư, tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công…

Theo Bộ Tài chính, nợ công ước tính đến 31/12/2018 sẽ đạt khoảng 61% GDP, tiến về mức an toàn, vượt mục tiêu Nghị quyết 01/2018 của Chính phủ. Xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính có những giải pháp gì để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Nghị quyết 25/2016/QH14 đã đặt mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.

Thời gian qua, thực hiện các chủ trương định hướng giải pháp của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã chủ trì tham mưu với Chính phủ để thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước, nợ công: kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay nợ công, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới…

Do đó, nợ công liên tục giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống mức 61,4% GDP năm 2017. Đối với năm 2018, Nghị quyết 01/NQ-CP đặt mục tiêu không quá 63,9% GDP song thực tế thực hiện sẽ không quá 61,4% GDP và có khả năng còn thấp hơn. Hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát để tổng hợp số liệu, chuẩn xác con số này.

Trong thời gian tới, trước mắt trong các năm 2019 và 2020, Bộ Tài chính tiếp tục bám sát chủ trương, nghị quyết của của Bộ Chính trị, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ… Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới; chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên…

Tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách.

Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong quản lý nợ công nói chung và trong công tác huy động vốn vay nước ngoài nói riêng theo quy định của Luật Quản lý nợ công; tổ chức tốt công tác quản lý nợ công đề từng bước tiếp cận với thông lệ tốt trong quản lý.

Bên cạnh những thành công đã đạt được, ngành còn những khó khăn, vướng mắc gì cần phải cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì trong điều hành chúng ta vẫn còn hạn chế, yếu kém cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Công tác xây dựng, thể chế chính sách vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo tiến độ, phải chuyển sang năm sau; công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, nợ thuế còn lớn; cơ cấu lại đầu tư công chưa chuyển biến rõ nét, giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiệu quả đầu tư một số chương trình, dự án thấp; tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so yêu cầu đề ra; việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số đơn vị còn chưa nghiêm, tình trạng chi sai chính sách, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị; công tác quản lý, sử dụng tài sản công có bước tiến bộ song có lúc vẫn còn xảy ra thất thoát, lãng phí.

Đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Vì vậy, trong năm 2019 và các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội có giải pháp, bản thân ngành Tài chính phải quyết liệt triển khai các giải pháp để khắc phục triệt để các yếu kém này.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã thể hiện quyết tâm cải cách rất cao thông qua việc sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế toàn ngành, đặc biệt là cơ cấu lại cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước và dự trữ nhà nước cấp chi cục. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Bộ Tài chính là Bộ  đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô, phạm vi quản lý rộng, bộ máy được tổ chức từ Trung ương đến địa phương.

Sau khi Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ được ban hành và  đi vào triển khai, thực hiện, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. 

Kết quả trong năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 536 đầu mối, trong đó cấp phòng và tương đương thuộc các Vụ/Cục thuộc Cơ quan Bộ giảm 5 đơn vị; cấp phòng thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ giảm 03 đơn vị; cấp phòng thuộc Cơ quan Tổng cục giảm 25 đơn vị; cấp chi cục và tương đương cắt giảm 67 đơn vị (giải thể 1 Chi cục Hải quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, giải thể 43 Phòng Giao dịch thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, hợp nhất, sáp nhập 10 Chi cục Dự trữ nhà nước thành 5 Chi cục, hợp nhất 34 chi cục thuế cấp huyện thành 16 chi cục thuế khu vực); cấp tổ (đội) tại địa phương cắt giảm được 436 tổ (đội).

Cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ; trong đó, để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, tính đến nay, số biên chế của Bộ Tài chính đã được cắt giảm là 4.973 chỉ tiêu (giảm 6,7%) so với năm 2015. Đối với những công chức dôi dư do sắp xếp bộ máy, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành nhưng còn hạn chế năng lực, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát để thực hiện tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP khoảng 600 trường hợp (đạt xấp xỉ 112% so với kế hoạch đề ra tính đến hết năm 2018).

Qua quá trình tinh giản bộ máy, thu gọn đầu mối, Bộ Tài chính đã gặp những khó khăn gì và đã khắc phục như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Kết quả sắp xếp, hợp nhất các đơn vị của Bộ Tài chính thời gian qua đã và đang thể hiện quyết tâm cải cách bộ máy, gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính. Nhưng việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra trong bối cảnh các văn bản quy định về quản lý bộ máy, biên chế chưa được ban hành đồng bộ. Do đó, việc triển khai của các bộ, ngành, địa phương có cách thức triển khai khác nhau, chưa có một mô hình mẫu để học tập, rút kinh nghiệm. Vì vậy, là một trong các bộ đi đầu trong cải cách bộ máy, Bộ Tài chính vừa thực hiện, vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền do có một số vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp, dẫn đến quá trình triển khai kéo dài hơn so với dự kiến.

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đồng thời với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống liên quan trực tiếp đến công tác quản lý cán bộ. Mặc dù, quá trình đổi mới, tinh gọn bộ máy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn thể công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính đã cố gắng, nỗ lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với kết quả thu ngân sách năm 2018 đạt 107% so dự toán.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi, thay mặt cho 70 ngàn cán bộ ngành tài chính, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với quyết tâm chính trị của toàn ngành, sự chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan có liên quan, tôi tin rằng Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ trong thời gian tới.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Huy Thắng
(thực hiện)

334 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 884
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 884
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87138190