Ngày 4/6, với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức Hội nghị chuyên đề ASEAN – Nhật Bản hợp tác vì sự thịnh vượng, với 04 phiên thảo luận chuyên đề song song.
Phiên thảo luận "Nông nghiệp thông minh: hợp tác, kinh doanh và đầu tư" đã thu hút sự tham dự của Lãnh đạo các tỉnh và gần 200 đại biểu các bộ, ngành, địa phương, ngoại giao đoàn, doanh nghiệp Việt Nam, ASEAN, Nhật Bản. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh; Nghị sỹ, Thứ trưởng, Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki đã đến phát biểu khai mạc.
Phiên thảo luận "Nông nghiệp thông minh: hợp tác, kinh doanh và đầu tư"
Mở đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh việc hợp tác với Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, phát huy sức mạnh nội lực, xây dựng một nền nông nghiệp ASEAN phát triển ổn định chất lượng cao là một ưu tiên hàng đầu để phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Nghị sỹ, Thứ trưởng, Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki đã tập trung đến sự hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản với máy móc, công nghệ hiện đại sẽ là một lợi thế khi hợp tác với các nước ASEAN. Trong hợp tác với các nước ASEAN, Nhật Bản sẽ tích cực cử các chuyên gia Nhật đến các nước ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp cũng như sẽ tiếp nhận các thực tập sinh kỹ thuật từ các nước ASEAN.
Bà Bacudo, Cố vấn cao cấp về nông nghiệp thông minh - khí hậu ASEAN đã chia sẻ quan điểm về việc các nước ASEAN hiện nay làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu; về việc các nước ASEAN tiếp tục tận dụng các cơ chế hợp tác trong nông nghiệp, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo về nông nghiệp, đặc biệt là biến đổi khí hậu để tạo các dữ liệu, phân tích cho người nông dân sử dụng, nghiên cứu. Triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp và cơ chế chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa; thúc đẩy kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản.
Ông Kinoshita, Vụ trưởng, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã có các chia sẻ về các quy định, quy trình nhập khẩu thực phẩm từ các nước của Nhật Bản nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản, tránh các loại hóa chất, sâu bệnh. Ông cũng giới thiệu quy chế, yêu cầu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của Nhật Bản đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản. Các thông tin này được đăng tải trên trang điển tử của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản và bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt.
Bà Đoàn Thị Thanh Hà, chuyên gia nghiên cứu của ERIA đã trao đổi về chủ đề hợp tác nông nghiệp thông qua các FTA. Các sản phẩm nông nghiệp sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước, chuyển giao công nghệ về nông nghiệp sẽ gia tăng, tuy nhiên, cùng với các cơ hội là các thách thức về cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch và an toàn thực phẩm cao hơn, tăng chi phí xuất khẩu trao đổi nhiều hơn trong bối cảnh các FTA được ký kết như việc giảm thuế, giảm các hàng rào đầu tư.
Phiên thảo luận được các diễn giả thảo luận sôi nổi với các nội dung quan tâm khác, như các lĩnh vực, chính sách được khuyến khích phát triển trong nông nghiệp công nghệ cao hiện nay; làm thế nào để các nước ASEAN thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị nông sản ASEAN; giải pháp kết nối, thiết lập chuỗi giá trị nông sản của doanh nghiệp ASEAN và Nhật Bản; cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao./.
Minh Anh