Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo cho thanh niên hiện nay 

Bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi tình hình biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường thì một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức đối với các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Xuất phát từ vị trí vai trò quan trọng đó, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết về chiến lược BVTQ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và mới đây là Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XII về “Chiến lược phát triển vùng kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt sâu sắc tinh thần của Đảng và nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ, những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn bám sát đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là các Nghị quyết Trung ương về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới. Trong đó, công tác tuyên truyền về biển, đảo được Tỉnh ủy coi là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, với ý thức, trách nhiệm và tình cảm của mình, những năm qua các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ; phổ biến những cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của biển, đảo Việt Nam, nhất là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm góp phần nâng cao nhận thức về mọi mặt cho thanh niên về tình hình biển, đảo, thông qua đó bồi đắp cho thanh niên lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo, ý thức về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đấu tranh có hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời xây dựng quyết tâm phấn đấu và ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện và sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên thanh niên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo nước ta, tỉnh Đoàn đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực gắn với các phong trào lớn do Trung ương Đoàn phát động như: “Góp đá xây dựng Trường Sa”, “Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo”, “Tuổi trẻ học đường Quảng Trị với biển đảo quê hương”…. Đã nhận được sự hưởng ứng cao của các đoàn viên thanh niên, được các cấp, các ngành và toàn xã hội ghi nhận.

Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chuỗi hoạt động về việc tổ chức các hội thi, hội diễn tuyên truyền về biển, đảo trong đoàn viên thanh niên khối THPT đã thực sự khơi dậy được lòng tự hào, cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, giữ vững tinh thấn độc lập, ý chí tự cường, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc tuyền truyền về biển, đảo của tuổi trẻ Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là, công tác tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú; các cấp bộ đoàn vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền về biển đảo; đa phần thanh niên, học sinh, sinh viên còn thiếu ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ; tài liệu tuyên truyền còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin thanh niên….

Thời gian tới, theo dự báo, tình hình tranh chấp trên biển Đông tiếp tục căng thẳng và diễn biến phức tạp, mà nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ vị trí của biển Đông và lợi ích của các nước, kể cả các nước lớn trên thế giới ở khu vực. Vì vậy, đứng trước tình hình đó thì, công tác tuyên truyền về biển, đảo, về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của nước ta, nhất là đối với hai quần đảo Hòang Sa và Trường Sa trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thanh niên là rất quan trọng, vì vậy, trước hết, cần quán triệt sâu sắc, nhất quán quan điểm, đường lối và quyết tâm của toàn Đảng, tòan dân Việt Nam là kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 trên tinh thần giữ gìn môi trường hoà bình ổn định để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn; tránh để xảy ra đụng độ, không để đổ vỡ quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và các nước trong khu vực.

Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác tuyên truyền về biển đảo trong thanh niên, từ đó có chủ trương biện pháp cụ thể, lãnh đạo chỉ đạo công tác này nhằm đảm bảo mọi chủ trương, đường lối của đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước liên quan đến vấn đề biển, đảo đến được với mọi thanh niên một cách đầy đủ, hệ thống, kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai công tác tuyên truyền biển, đảo một cách hệ thống, đồng bộ, sát thực tiễn và đạt hiệu quả thiết thực.

Đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền một cách phù hợp, thiết thực, theo hướng bám sát đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tiễn cuộc sống cũng như thực tiễn hoạt động của đất nước, nhất là gắn với các hoạt động phong phú hướng về biển, đảo, các cuộc thi liên hoan văn nghệ, các chương trình ngoại khóa, các điển hình tiên tiến, trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc … nhằm nâng cao hiểu biết về lịch sử, địa lý biển, đảo quê hương, đất nước, nhất là lịch sử, địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên vững mạnh, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng; có nghệ thuật diễn giải truyền cảm, thuyết phục, đặc biệt phải có kiến thức cơ bản toàn diện, hệ thống đúng đắn về biển, đảo; luôn bám sát đời sống học tập, sinh hoạt của thanh niên để kịp thời đưa những thông tin có định hướng về biển, đảo, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Hải Đăng

3313 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 950
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 950
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86998198