Việc quản lý thuế nói riêng và quản lý hoạt động thương mại điện tử đang gặp khó ở việc xác định doanh thu của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường trực tuyến. 

Kết hợp các sàn thương mại điện tử thu thuế

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, về công tác quản lý thuế đối với các sản giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, cơ quan thuế sẽ triển khai làm việc với một số chủ sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Hà Nội và Tp.HCM để cung cấp thông tin cho công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Theo phân tích, dưới góc độ quản lý thuế, sự phát triển không ngừng và tính đa dạng của thương mại điện tử (TMĐT) và kinh doanh trên nền tảng số trong những năm qua đòi hỏi không những cơ quan thuế Việt Nam, mà cả cơ quan thuế trên toàn thế giới phải xây dựng chính sách thuế phù hợp, nhằm đảm bảo việc thu thuế đúng và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh đang phát triển vượt bậc này. Dù cơ quan quản lý đang rất nỗ lực để chống thất thu thuế với lĩnh vực này, tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng hoạt động kinh doanh trên nền tảng số vẫn là một lĩnh vực rất mới và mang nhiều thách thức cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý thuế.

Một chuyên gia về thuế cũng cho rằng, trong các đối tượng chịu thuế thì những cá nhân kinh doanh qua mạng được xem là đối tượng khó khăn nhất trong công tác quản lý thuế. Những đối tượng này không có địa chỉ cư trú rõ ràng, tên đăng ký trên mạng lại khác với tên ngoài đời thực, giao dịch bằng tiền mặt. Chính vì vậy, ngành Thuế sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian để truy thu thuế. Nhiều doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh bán hàng thu tiền mặt hay sử dụng dịch vụ giao hàng thu tiền hộ, chỉ sử dụng website, trang mạng xã hội để thực hiện quảng cáo sản phẩm nhưng việc bán hàng lại thông qua điện thoại tin nhắn.

Việc quản lý thuế nói riêng và quản lý hoạt động thương mại điện tử đang gặp khó ở việc xác định doanh thu của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên môi trường trực tuyến. “Việc làm sao thu thập được số liệu để xác minh doanh thu, từ đó xác định mức thuế đối với doanh nghiệp là điều vô cùng gian nan. Không chỉ cơ quan Thuế, mà bản thân Bộ Công thương - đơn vị quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng gặp khó khăn trong việc thu thập số liệu.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, giải pháp căn cơ để quản lý hoạt động thương mại điện tử hiện nay là phải thiết lập một cơ sở dữ liệu dùng chung để cơ quan quản lý thuế, cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước và ngay cả cơ quan quản lý về thương mại điện tử như Bộ Công thương có thể tiếp cận, cập nhật cơ sở dữ liệu một cách thường xuyên, liên tục.

Thay đổi tư duy quản lý

Vào hồi đầu tháng 3, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục thuế) cũng đã từng chia sẻ ngành thuế sẽ thay đổi tư duy quản lý với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Thay vì làm trực tiếp với từng người, họ sẽ nắm đầu mối từ tổ chức có liên quan và dòng tiền chi trả.

Các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay (nếu nắm dòng tiền) cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hoặc các đơn vị giao vận sẽ có trách nhiệm cung cấp thông tin của chủ shop (nếu cư trú tại Việt Nam) cho cơ quan thuế. Dự thảo Thông tư này không điều chỉnh với nhà cung cấp nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh mua bán theo phương thức truyền thống đang có phần "lép vế" so với kinh doanh trên nền tảng điện tử, thu thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT sẽ trở thành một trong những "mũi nhọn" để toàn Ngành có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, bù đắp những khoản hụt thu do dịch bệnh gây ra.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020, theo đó, cơ quan thuế không chỉ làm việc với các ngân hàng để thu thập dữ liệu của người nộp thuế mà cả những công ty giao nhận hàng hóa để có thông tin liên quan phục vụ cho công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện những trường hợp chưa kê khai đầy đủ doanh thu, trốn thuế.

Theo quy định của pháp luật nếu người nộp thuế khai sai, khi cơ quan thuế phát hiện, người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cũng như tính tiền chậm nộp. Trường hợp người nộp thuế cố tình trốn thuế, theo quy định của pháp luật hiện hành có thể bị xử phạt từ 1-3 lần số thuế phải nộp. Trường hợp nặng hơn, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật./.

 
MP