Tang vật vụ án Công an Thanh Hóa thu giữ thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả
Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Đà Nẵng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố khẩn trương tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm.
Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tăng cường triển khai hậu kiểm; chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân trên địa bàn tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe kém chất lượng.
Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không có tác dụng thay thế thuốc
Đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày, nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.
Nếu mua các sản phẩm này, người dân cần lưu ý lựa chọn thực phẩm bảo vệ sức khoẻ phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, vì khi đó sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.
Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ và https://congkhaiyte.moh.gov.vn/. Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.
Đồng thời, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin: tên sản phẩm; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần, thành phần định lượng; định lượng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản (công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng); khuyến cáo về nguy cơ (nếu có); ghi cụm từ “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe”; ghi cụm từ “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”...
Khi xem quảng cáo trên mạng xã hội, người dân cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, như uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh hoặc có hình ảnh bác sỹ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”... Đây là những nội dung quảng cáo vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, trong đó tập trung phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý vi phạm và tiến hành thu hồi thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, thực phẩm kém chất lượng trên thị trường.
Kiểm tra, rà soát các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng và các gian hàng kinh doanh thực phẩm trên các ứng dụng trên, nhằm phát hiện các thực phẩm chưa thực hiện việc công bố để gỡ bỏ thông tin trên các sàn thương mại điện tử...
Hiền Minh