Tăng cường hậu kiểm thực phẩm do doanh nghiệp tự công bố 

(Chinhphu.vn) – Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, công tác hậu kiểm sẽ tập trung vào các sản phẩm tự công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm.

 

Tăng cường hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm do doanh nghiệp tự công bố. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Theo đó, 3 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố sẽ cùng tham gia hậu kiểm các sản phẩm do doanh nghiệp tự công bố, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra theo nhóm mặt hàng cụ thể, tránh chồng chéo.

Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý 6 nhóm ngành hàng gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, đá thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và nhóm các mặt hàng hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương chưa quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm hàng. Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm hàng. 

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phong, trong quá trình hậu kiểm sẽ vừa hậu kiểm hồ sơ, vừa lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Đây là lần đầu tiên, Bộ triển khai giám sát thực phẩm theo hướng này, với mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát một lần trong năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.

Tại Trung ương, công tác hậu kiểm tập trung trên các địa bàn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Long... Thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay.

Nghị định 15 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm vừa được ban hành và có hiệu lực từ tháng 2 năm nay, đã thay đổi cơ bản phương thức quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài 4 nhóm thực phẩm có yêu cầu đặc biệt, đa số thực phẩm thông thường (khoảng 70-75%) doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm về chất lượng, cơ quan chức năng chịu trách nhiệm hậu kiểm. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vẫn có một số ý kiến cho rằng, với quy định này, chúng ta đang buông lỏng quản lý, đặc biệt là vấn đề thực phẩm, khi đã sử dụng vào cơ thể rồi thì không thể thay đổi được.

“Vừa rồi, Bộ đã lấy ý kiến về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Nghị định 15 đã chuyển biến căn bản trong quản lý an toàn thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng Nghị định xử lý vi phạm hành chính sẽ siết rất chặt và xử lý mạnh về những điều khoản quy định trong Nghị định 15. Thế nên không thể nói là buông lỏng quản lý”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, với quy định tại Nghị định 15, trước khi sản phẩm lưu thông trên thị trường, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bao gồm phiếu kiểm nghiệm, ghi nhãn... để cơ quan nhà nước kiểm tra, đối chiếu các chỉ tiêu an toàn doanh nghiệp tự công bố (hình thức tiền kiểm). Trong quá trình kinh doanh, cơ quan chức năng tiếp tục định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu xét nghiệm ( hình thức hậu kiểm) để giám sát chất lượng.

Thúy Hà

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 831
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 831
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87117501