Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn các thế hệ cán bộ cách mạng về vai trò của lý luận. Bác chỉ ra rằng: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” (1). “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, Đảng ta đã chỉ rõ: “Lười học tập, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận những thông tin mới, cũng là biểu hiện của sự thoái hóa”. Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đánh giá: “Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Hệ thống, chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị còn nhiều bất hợp lý”.
Bên cạnh đó, Người cũng đã chỉ rõ, trong Đảng còn nhiều người “chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hòa công tác và học tập”. Từ thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên còn lười học, ngại học lý luận chính trị, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận”(2) , “Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng”.
Có thể nói, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo việc học tập, đào tạo cán bộ của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên càng cần thiết, cấp bách phải nâng cao hơn nữa.
Thực tế, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có những biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn.
Đó là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân dẫn đến những trường hợp, cán bộ, đảng viên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch thì tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh cho chính mình và đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện thứ ba: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(3).
Đại hội XIII nhận định, những hạn chế, tồn tại trong công tác giáo dục lý luận chính trị, là một trong những nguyên nhân làm cho: “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng diễn ra vào ngày 9/12/2021, Ban Tổ chức Trung ương tổng kết từ 2016-2020, có hơn 25.000 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có hơn 15.000 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống; hơn 8.000 đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị; hơn 1.700 đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Cho nên, phải “khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu lên nhiệm vụ, giải pháp đó là: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn, đưa việc bồi dưỡng lý luận chính trị cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp đi vào nền nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng”(4)
Một điểm mới quan trọng trong phương hướng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn để nâng cao bản lĩnh chính trị; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên”.
Các Mác đã từng khẳng định “…lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. Do đó, từ những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đòi hỏi Đảng luôn phải đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị. Qua đó, góp phần quan trọng phòng, chống tình trạng “lười” học tập lý luận chính trị, xem thường vai trò của lý luận của cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đây là giải pháp tốt nhất, tích cực nhất để giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối quan điểm, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, tình hình thực tiễn của địa phương và đất nước; kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Hải Đăng
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5 tr.273-274.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H , 2011, t. 8, tr. 280.
3. ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.28.
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.II, tr. 235-236.
5. C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb. Sự Thật, H,1980, tr.25.