Đó là một số nội dung tại Chỉ thị số 9294/CT-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: BT) |
Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021 đang đến gần. Thời gian nghỉ Tết kéo dài với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia tăng mạnh, trong đó hầu hết là các sản phẩm nông nghiệp như: gạo, thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau, quả...
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, hoạt động sản xuất, chế biến, phân phối thực phẩm nông lâm thủy sản sẽ diễn ra rất sôi động, tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ động phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản theo Kế hoạch 1993 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản và các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như: thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm. Đi cùng với đó, xử lý nghiêm túc, đầy đủ theo quy định và thông tin kịp thời về các sự cố sản phẩm nông lâm thủy sản mất an toàn thực phẩm (nếu xảy ra tại địa phương).
Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT chủ động tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch 1993 của Ban chỉ đạo Trung ương về an toàn thực phẩm. Riêng Cục Bảo vệ thực vật và Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sớm trình Bộ thành lập và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương (số 5,6) tại các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, Hậu Giang. Với Cục Thú y, Cục Bảo vệ Thực vật bố trí đầy đủ nhân sự, công cụ, thiết bị để thực hiện kiểm tra, kiểm dịch đảm bảo an toàn thực phẩm nhập khẩu đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng ách tắc hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu thanh tra Bộ duy trì đường dây nóng tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin phản ánh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, công an điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như: bơm chích tạp chất vào thủy sản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản,…
Tổng cục Thủy sản và các Cục: Chăn nuôi, Trồng trọt chỉ đạo sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương và các địa phương theo dõi, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng nông lâm thủy sản thiết yếu trong dịp Tết./.