|
Chia sẻ về vấn đề nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho công nhân lao động |
Sáng 5/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường”.
Theo Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” giúp tăng cường vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Diễn đàn cũng là cơ hội để các nhà quản lý, tổ chức công đoàn, doanh nghiệp và người lao động ngồi lại với nhau, tìm ra các giải pháp hiệu quả trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang diễn ra phức tạp, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; nhân rộng lên trên cả nước những điển hình tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật trong bảo vệ môi trường.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và công nhân lao động cũng tham gia Tọa đàm “Vai trò của các tổ chức công đoàn, người lao động trong công tác bảo vệ môi trường”.
Theo ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay áp lực về công tác bảo vệ môi trường đang đặt ra không chỉ với các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cho hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Tổng cục Môi trường đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp tham gia công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là các tổ chức công đoàn tham gia lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo vệ môi trường cũng như vận động trong cán bộ công nhân viên.
Kết quả điều tra, khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi cho thấy, toàn quốc có khoảng 274 khu công nghiệp, trong đó mới có 242 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải, chiếm 88,3%. Năm 2019, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 89% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải.
Hàng ngày, riêng nước thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường là 7 triệu mét khối, nhưng thật sự năng lực xử lý trên toàn quốc chỉ đạt 14,5%, khoảng 85% nước thải sinh hoạt chưa xử lý được. Nước thải công nghiệp phát sinh khoảng 1 triệu mét khối...
Cuối năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành lập một liên minh chống rác thải nhựa với trên 30 doanh nghiệp đã tham gia. Những tổ chức chống rác thải nhựa sắp tới sẽ được nhân rộng.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Lâm, Công đoàn Công ty Friesland Campina cho biết, công ty đặt ra mục tiêu không rác thải chôn lấp, phân loại rác thải làm 3 loại. “Tuy nhiên, Chúng tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm các đơn vị có thể xử lý, tái chế rác làm phân vi sinh, mục đích làm giảm lượng rác đốt và chôn lấp. Thực tế, miền Bắc rất ít đơn vị có thể làm được. Mong Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ phát triển các đơn vị tái chế để giảm thiểu lượng rác và chôn lấp”, ông Nguyễn Hoàng Lâm đề xuất.
Chia sẻ về vấn đề đảm bảo an toàn môi trường trong ngành hóa chất, ông Nguyễn Huy Thông, Phó Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam cho biết, ngành hóa chất có một số lĩnh vực chính như sản xuất caosu, phân bón, thuốc trừ sâu, khai khoáng... tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm. Hàng năm, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam tổ chức diễn tập sự cố hoá chất. Từ nhiều năm qua ngành đã thành lập đồng chuyên trách về an toàn, tổ chức thi đua xanh sạch đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, mỗi tháng phát động một ngày chủ nhật xanh, mở các lớp tập huấn về vệ sinh môi trường...
Nằm trong khuôn khổ Diễn đàn "Công nhân vì môi trường", Lễ trao giải "Công nhân lao động vì môi trường" lần thứ nhất cũng được tổ chức nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường. Từ hơn 400 hồ sơ tập thể và các nhân đề nghị xét thưởng trên cả nước, Hội đồng bình xét do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã lựa chọn 22 tập thể và 23 cá nhân có thành thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường để trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thu Cúc