Chiều 21/1, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều cơ quan và Bộ, ban, ngành đã tổ chức diễn đàn Tăng cường giải pháp tài chính và giao dịch điện tử hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội 2022.
|
Chủ tọa điều hành Diễn đàn. |
Diễn đàn được tổ chức trực tiếp và trực tuyến dưới sự chủ toạ của: PGS, TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; TS Lê Minh Nam, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân hàng Quốc hội; PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; và TS Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam nêu rõ, trong 2 năm qua, dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, dịch bệnh đã từng bước được khống chế và đẩy lùi, cả nước đang bước vào giai đoạn phục hồi nhưng vẫn cảnh giác, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng cũng chứng tỏ sức mạnh bền bỉ, sáng tạo, đổi mới, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phát triển ổn định kinh tế đất nước.
|
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam phát biểu tại Diễn đàn.
|
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam cho biết, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đang gặp những khó khăn do dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc hấp thu chính sách của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, vẫn có những nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp chưa được giải quyết kịp thời.
Diễn đàn cũng ghi nhận những ý kiến thiết thực từ các đại biểu, chuyên gia, đại điện doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, quyền Trưởng ban Thông tin và Truyền thông/Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, ngân hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung cần xác định doanh nghiệp là những người kinh doanh, có mối quan hệ tương hỗ với nhau, là bạn hàng của nhau, là đối tác của nhau. Từ đó, ngành ngân hàng cần xây dựng một chính sách đặc biệt chăm sóc cho các doanh nghiệp đang là khách hàng của mình.
Bà Hường đề xuất mức khoản vay tín chấp là 1 tỷ đồng cho thời hạn 12 tháng. Theo bà Hường, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có nói về vấn đề chính sách hạ lãi suất đến 2%, tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp, việc hạ lãi suất không có giá trị bằng việc kéo dài thời hạn vay lên một năm và điều kiện tín chấp. Do đó, ngành ngân hàng có thể xem xét cân nhắc kiến nghị này.
Trao đổi tại diễn đàn, đại diện Công ty Vietgo đề xuất trong cấu trúc của thị trường xuất khẩu, cần phải khuyến khích đối tượng là doanh nghiệp thương mại. Muốn khuyến khích được các doanh nghiệp thương mại theo đại diện VIetgo cần điều chỉnh việc hoàn thuế VAT. Ngoài ra, đại điện Công ty Vietgo cũng đề nghị cần bảo đảo khơi thông dòng chảy về vốn...
|
Đại điện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao đổi với các đại biểu về những ý kiến tham luận, góp ý liên quan đến chủ đề của Diễn đàn.
|
Trong khi đó, chia sẻ về sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp đối với nội dung chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Đông, TGĐ Công ty Hoa Lan chia sẻ, suốt thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác, Hoa Lan gặp vô vàn khó khăn. Đã có lúc DN nghĩ đến cảnh bị phá sản khi người nông dân liên tục gọi điện DN đến lấy hàng nhưng DN không thể làm gì khi các địa phương thực hiện chính sách giãn cách xã hội. Dây chuyền sản xuất cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tuy vậy, trong khó khăn, DN đã thực hiện việc cải tiến máy móc thiết bị, giảm lao động với việc dây chuyền sản xuất giảm từ 6 người xuống còn 4 người. Những nỗ lực vượt khó của Hoa Lan đã giúp DN có nhiều đơn từ nước ngoài. DN cũng bán hàng thuận lợi hơn khi áp dụng hình thức kinh doanh mới trên môi trường số.
“Để doanh nghiệp tiếp tục có điều kiện phục hồi thì việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh là điều tiên quyết, có thể cho rằng là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp do nữ làm chủ. Do đó, Nhà nước cần triển khai các giải pháp thiết thực hiệu quả hơn nữa trong việc hỗ trợ DN đào tạo về chuyển đổi số để các DN do nữ làm chủ thích ứng tốt hơn trong bối cảnh mới” – bà Đông cho biết.
Đánh giá cao các tham luận, ý kiến góp ý từ các đại biểu, chuyên gia, đại điện doanh nghiệp, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cam kết sẽ cùng đồng hành, chia sẻ cũng như chuyển những ý kiến này tới cơ quan chức năng có thảm quyền để xem xét giải quyết với mục tiêu nhằm hỗ trợ, chia sẻ tối đa những khó khăn, cũng như sớm triển khai các giải pháp để doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.