Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 

(Chinhphu.vn) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Công điện gửi các đơn vị về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9/2017 và khai giảng năm học 2017-2018.

 

Ảnh minh họa

Theo đó, để đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9/2017 và khai giảng năm học 2017-2018, đặc biệt tình hình thời tiết diễn biến bất thường, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV và Cao tốc; các Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ; Cục Quản lý xây dựng đường bộ; các Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Nhà đầu tư BT, BOT có dự án đang khai thác; Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TCĐBVN ngày 31/5/2017 về một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trong đó tập trung tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa các hư hỏng cầu đường; ngăn chặn, dẹp bỏ tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè thuộc phạm vi quản lý (đối với tất cả các đoạn đường đang quản lý bảo trì, các đoạn tuyến BOT và các đoạn đường đang xây dựng cơ bản); kịp thời xử lý các điểm nóng, bất cập trong tổ chức giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông.

Xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực để thực hiện công tác phòng chống lũ lụt, bão tại các điểm trọng yếu có nguy cơ xảy ra sụt trượt, ngập lụt, hư hỏng cầu đường và tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, đèo dốc để xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông nhanh nhất. 

Chỉ đạo Nhà đầu tư BOT, VEC yêu cầu các trạm thu giá sử dụng đường bộ có phương án tăng cường bố trí nhân viên bán vé, tăng số cửa thu soát vé; mở cửa trạm để giải quyết ùn tắc theo quy định hoặc phân luồng khi cần thiết điều tiết giao thông tránh gây ùn tắc. Bố trí lực lượng Thanh tra theo dõi, kiểm tra, xử lý ngay khi ùn tắc, đặc biệt các cửa ngõ trọng điểm.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa công trình, tập trung ưu tiên công tác dọn dẹp vệ sinh mặt đường, phát quang cây cối, lều quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường và kịp thời khắc phục các vị trí mặt đường hư hỏng, đảm bảo êm thuận; có phương án thi công phù hợp để hoàn trả mặt đường, tổ chức thi công gọn, dứt điểm từng hạng mục; rà soát, bố trí đầy đủ hệ thống cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, chỉ dẫn giao thông theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm giao thông trên đường bộ đang khai thác; không để xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do thi công công trình gây ra.

Đối với công tác vận tải, Tổng cục yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ tăng cường theo dõi thông tin qua thiết bị giám sát hành trình (giám sát trực tuyến) để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chạy xe vượt quá tốc độ, dừng đỗ trái phép, lái xe liên tục quá 4 giờ, … gây mất an toàn giao thông.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn của xe ô tô chở khách ngay tại bến (đặc biệt lưu ý điều kiện an toàn cháy nổ của xe khách), cương quyết không cho xuất bến các xe không bảo đảm điều kiện an toàn, xe có dấu hiệu nhồi nhét khách, người lái xe có dấu hiệu sử dụng rượu, bia. Có phương án tăng cường phương tiện, kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân khi cần thiết.

Các đơn vị phải công khai và thường trực số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin về vận tải, tai nạn giao thông nghiêm trọng, sự cố cầu đường, ùn tắc giao thông.

Tuệ Văn

410 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1232
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1232
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87177954