|
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dự báo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Ảnh minh họa: KD) |
Khả năng ùn ứ nông sản cục bộ
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cụ thể, đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết, qua rà soát, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn,... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.
Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh corona.
Với mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.
Cùng với đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ. Đồng thời, ảnh hưởng đến công tác thu xếp, bố trí của Bộ NN&PTNT đối với 3 đoàn công tác quan trọng của chuyên gia Tổng cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam (dự kiến trong tháng 3/2020) khảo sát thực tế, làm việc trao đổi với phía Việt Nam để hoàn tất báo cáo mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu bột cá, tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bị phía Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu.
Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Trên cơ sở nhận định, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến 9/2/2020, nếu dịch Viêm phổi cấp không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng, có khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, dẫn tới tình hình xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất cao, vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản và các cục chuyên ngành quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ, chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các Đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Viêm phổi cấp và công bố mở cửa lại bình thường. Tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước kết nối thu mua nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân.
Nếu tình hình bùng phát dịch kéo dài hàng tháng, Bộ NN&PTNT đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo các Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản, nhất là thúc đẩy tiêu thụ nội địa theo các chuỗi siêu thị, bán lẻ.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Đại sứ quán ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng ở các nước đẩy mạnh toàn diện công tác phát triển thị trường nông lâm thủy sản, coi đây là công tác đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường công tác đối ngoại, phối hợp với các Cơ quan chức năng của các nước để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nông sản do tác động của việc áp dụng các biện pháp của các nước để kiểm soát dịch bệnh Viêm phổi cấp.
Trước tình hình xuất khẩu nông sản chịu nhiều tác động, Bộ NN&PTNT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Sở Công thương thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, không bị ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt với các địa phương có diện tích trồng thanh long lớn cần có kế hoạch điều chỉnh sản lượng sản phẩm trái vụ thích ứng với tình hình hiện nay, tập trung quy hoạch đầu tư vùng trồng để nâng cao chất lượng sản phẩm./.