|
Ảnh minh họa |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong thời gian vừa qua, nhất là năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, thiên tai xảy ra trên khắp các vùng miền trong cả nước với quy mô, cường độ ngày càng cực đoan, bất thường, đặc biệt là lũ quét xảy ra tại Sơn La, Yên Bái đầu tháng 8/2017 đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của toàn hệ thống thì sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí có vai trò quan trọng, tác động sâu rộng đến cộng đồng, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, tình hình thiên tai năm 2017 còn nhiều diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường.
Để tăng cường chủ động trong ứng phó thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương trước mắt tăng cường thời lượng đưa tin nội dung các Công điện số 36 và 37 ngày 13/8 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai về công tác ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc và lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lâu dài, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan xây dựng chương trình, tài liệu và tăng cường thời lượng tuyên truyền về phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng cần thiết để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống thiên tai, đặc biệt đối với các loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như bão, lũ, sạt lở đất... Các cơ quan truyền thông thường xuyên cập nhật, truyền tải thông tin dự báo, cảnh báo, diễn biến thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tuệ Văn