Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI đã xác định: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, với chỉ tiêu cụ thể là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 43,5% năm 2015 lên đạt 65-70% vào năm 2020 (mức bình quân chung cả nước); hàng năm giải quyết việc làm cho 9.500 lao động, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 264/KH-UBND về “Đào tạo nghề cho lao động tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017-2020” với mục tiêu “Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”.
Theo báo cáo mới nhất, hiện nay lực lượng thanh niên Quảng Trị có hơn 120.000 người, chiếm 20,25% dân số và 30% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có hơn 20 cơ sở đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề cho thanh niên, trong đó có 2 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 7 cơ sở đào tạo nghề. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trung tâm khuyến công, khuyến nông và một số đơn vị khác hàng năm có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn; một số cơ sở sản xuất, hộ cá thể có tổ chức đào tạo nghề theo hình thức kèm nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường và trung tâm dạy nghề ngày càng được hoàn thiện
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, hàng năm, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát thực trạng việc làm của thanh niên trên toàn tỉnh để phối hợp các sở đào tạo nghề cho thanh niên. Bên cạnh đó, cấp cấp bộ đoàn đã tổ chức các diễn đàn “Thanh niên với việc lựa chọn nghề nghiệp”, “Giúp bạn chọn nghề” đã thu hút sự hang nghìn lượt thanh niên tham gia. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu việc làm cho thanh niên, tổ chức phiên giao dịch việc làm, các buổi tư vấn định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên. Mặt khác, các cấp bộ đonà phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho lực lượng lao động ở các địa bàn trên toàn tỉnh trên tất cả các lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng lao động của tỉnh ta.
Nhờ đó, hàng năm đã tạo điều kiện cho hang trăm thanh niên tìm được việc làm trong và ngoài nước, mỗi năm có trên 2.000 lượt đoàn viên thanh niên được định hướng nghề, dạy nghề; 400 thanh niên và hộ gia đình thanh niên nông thôn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Thông qua nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm, vốn hộ nghèo và các nguồn vốn khác ưu đãi cho thanh với số tiền gần 100 tỷ đồng, qua đó giải quyết việc làm mới hang nghìn lao động. Từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên, nhiều thanh niên đã mạnh dạn bắt tay vào làm ăn, mở trang trại, các mô hình sản xuất kinh doanh đem lại hiệu quả cao. Có 9/9 huyện, thị thành lập câu lạc bộ Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi với 25 thành viên tham gia trở lên và có thu nhập hàng năm từ 50 - 100 triệu đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1300 trang trại, mô hình sản xuất thanh niên tại gia, vùng cát, vùng đồi có quy mô từ 1 - 15 ha có mức thu nhập 30 - 100 triệu /năm, góp phần giải quyết việc làm cho trên 5.000 đoàn viên thanh niên có thu nhập ổn định từ 1,8 triệu trở lên/người/tháng; 85% thanh niên xuất ngũ được đào tạo và giải quyết việc làm. Trong đó, xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong khởi nghiệp và lập nghiệp như mô hình nuôi gà của anh Trần Tấn Phát ở thôn Hà Lợi Tây xã Trung Giang huyện Gio Linh; mô hình nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Hữu Giáp, ở thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; mô hình sản xuất tinh dầu thảo dược của chị Trần Thị Quỳnh Giao, ở khu phố 7, thị trấn Gio Linh; mô hình chăn nuôi gà Ai Cập của anh Nguyễn Văn Tám, ở thôn Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh…..
Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Trung tâm Phát triển khoa học, công nghệ và Tài năng trẻ thuộc Trung ương Đoàn tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho đoàn viên thanh niên là các chủ trang trại, mô hình phát triển kinh tế của 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây chính là cơ hội để thanh niên tiếp cận các lớp tập huấn, được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình học nghề, lập thân, lập nghiệp.
Có thể khẳng định, với những giải pháp đồng bộ và quyết liêt, cùng với sự vào cuộc của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị, trong năm 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 12.423 người (đạt 105 % kế hoạch). Trong đó: cao đẳng 601 người; trung cấp 819 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 11.003 người (đào tạo nghề cho lao động vùng biển 2.542 người). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,43% (kế hoạch đề ra là 54,4%), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 39,36%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 29,1%. Trong đó có hơn 5.309 là thanh niên hoàn thành các khoá học nghề, có 5.018 người có việc làm và thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho thanh niên vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nguồn lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, thanh niên đã qua đào tạo nhưng ở trình độ còn thấp, thanh niên thất nghiệp và việc làm chưa ổn định còn nhiều. Thanh niên ở nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế. Hộ nghèo trong thanh niên ở tỉnh Quảng Trị còn hơn 2.700 hộ, chiếm 12,2 % trên tổng hộ nghèo toàn tỉnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, để nâng cao công tác đào tạo nghề cho thanh niên góp phần quan trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Các trường và trung tâm dạy nghề cần lập trang thông tin về nhu cầu đào tạo nghề cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, giới thiệu ngành nghề tốt để thanh niên dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những ngành nghề mà mình dự định theo học, định hướng cho thanh niên, giúp họ hiểu được sau khi học họ sẽ làm gì. Thực hiện việc dạy nghề cho các đối tượng thanh niên ở các vùng, miền khác nhau: thành thị, nông thôn, miền biển, miền núi với các đối tượng khác nhau để từ đó tạo ra những việc làm thiết thực cho thanh niên.
Kết hợp chặt chẽ giữa công tác đào tạo nghề với công tác giải quyết việc làm cho thanh niên. Hoạt động đào tạo phải gắn với định hướng đáp ứng nhu cầu cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tổ chức hoạt động ký kết giao ước, liên kết về đào tạo và tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về các vị trí việc làm tại doanh nghiệp.
Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn, nhất là ở khu vực nông thôn. Các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở cần thiết thực trong việc đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp và khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Các tổ chức đoàn cần phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh giới thiệu thị trường lao động trong và ngoài nước; hỗ trợ vay vốn, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm, phối hợp với các ngành, các chương trình tạo nguồn cho thanh niên. Hàng quý, cần rà soát lại tỷ lệ thanh niên thiếu việc làm, chưa được đào tạo nghề ở các địa phương để đưa ra những chính sách phù hợp, mang lại chất lượng cao trong đào tạo nghề cho thanh niên.
Mặt khác, phát huy sự nỗ lực của cá nhân thanh niên trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn có tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập những gương thanh niên điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật không ngừng vươn lên trong học tập và sang tạo.
Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống 88 năm xây dựng và trưởng thành, với sức trẻ, sự nỗ lực, nhiệt huyết của mình, tuổi trẻ Quảng Trị sẽ khởi nghiệp thành công, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra. Trần Văn Toàn, Trường Chính trị Lê Duẩn