Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị 

Miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.675 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn miền núi, gồm 6 xã khu vực I, 15 xã khu vực II, 26 xã khu vực III, trong đó có 29 xã, 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn, biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung theo cộng đồng chủ yếu là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều gồm có 41 xã, thị trấn thuộc địa bàn 02 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và 03 huyện có xã miền núi là Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ. Dân số toàn vùng miền núi tính đến thời điểm 01/01/2019 là: 42.731 hộ, 180.760 khẩu; dân số đồng bào dân tộc thiểu số: 18.692 hộ, 85.498 khẩu; Số hộ nghèo toàn vùng miền núi 47 xã, thị trấn: 10.471 hộ, chiếm tỷ lệ 24,5%; số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số: 9.634 hộ, chiếm tỷ lệ: 51,54%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 19,63 triệu đồng/người/năm.

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 49-CT/TW “về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, học tập thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 49-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện đời sống Nhân dân, xóa đói giảm nghèo; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thông qua các chương trình dự án, hỗ trợ đầu tư về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực; thương mại - dịch vụ phát triển khá; kinh tế nông nghiệp cơ cấu đa dạng, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 3,78%. Vùng miền núi hiện đã có 9/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định.

Chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ thiếu hụt khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giảm từ 5,46% (2016) xuống 2,78%; hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế giảm từ 29,42% xuống 23,19% (2017).

Công tác giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện. Thiếu hụt về tình trạng giáo dục cho người lớn đã giảm từ 26,01% xuống 25,63%; cho trẻ em giảm từ 7,98% xuống 5,66%. Năm 2016, thiếu hụt về chất lượng nhà ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 60,17%, cuối năm 2017 còn 39,75%, giảm đến 20,42%, toàn tỉnh giảm 0,57%.

Các chương trình nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, truyền thông được quan tâm, qua đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ cơ bản về truyền thông… Tại vùng miền núi nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng thiếu hụt về sử dụng dịch vụ viễn thông đã giảm 6,96% và thiếu hụt về tài sản phục vụ tiếp cận thông tin giảm 7,05% so với đầu kỳ.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, có chính sách cụ thể đối với cán bộ, công chức nữ thuộc các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng thực học. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch và được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều tăng; đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nhận thức chính trị vững vàng hơn, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức đồng bào dân tộc thiểu số là: 1090/22.524 người, chiếm tỷ lệ 4,84%. Trong đó: cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 26/1.858 người, chiếm tỷ lệ 1,39%. Viên chức là: 579/17.776 người, chiếm tỷ lệ 3,26%. Cán bộ, công chức cấp xã là: 485/2.890 người, chiếm tỷ lệ 16,78%. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy và củng cố. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay có 16 đồng chí là sỹ quan BCH Bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới, phần lớn kiêm Trưởng Khối dân vận cơ sở (huyện Đakrông 5 sỹ quan, huyện Hướng Hóa 11 sỹ quan); có 38 đảng viên là cán bộ các đồn biên phòng được phân công về sinh hoạt tại chi bộ các thôn, bản. Trên cơ sở quy hoạch, các cấp ủy đã quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng theo chức danh. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong các cấp ủy, cơ quan, đơn vị được cơ cấu phù hợp, đảm bảo yêu cầu. Số lượng tham gia cấp ủy là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiệm kỳ 2015 - 2020 cấp tỉnh là 02 đồng chí, cấp huyện là 30 đồng chí, cấp xã là 276 đồng chí. Số lượng đại biểu tham gia Quốc hội khóa XIV là 01 người, đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2026- 2021 là 04 người, đại biểu HĐND huyện là 28 người, đại biểu HĐND xã 617 người.

Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được đổi mới. UBND các cấp không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa; đồng thời, vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật. Cùng với việc thực hiện Chị thị 49-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng Nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương về công tác dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sát địa bàn, bám dân dân cư; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, chi hội, xây dựng mô hình, các phong trào như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt phối hợp với đồn biên phòng thực hiện phong trào kết nghĩa Bản - Bản giữa 2 bên biên giới và duy trì tốt giao ban định kỳ, trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết các vụ việc xảy ra góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền, đoàn thể, Nhân dân 2 bên biên giới. Đồng thời, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, đảm bảo tình hình an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc. Ngoài ra, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, các lực lượng vũ trang, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm triển khai nhiều chương trình, hoạt động hướng về đồng bào dân tộc thiểu số với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả như: Tổ chức tặng quà đồng bào nghèo dịp lễ, tết; chương trình xuân biên giới, tết biên cương; phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai; xây dựng nhà tình nghĩa; chương trình thanh niên tình nguyện; chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; tập huấn, hỗ trợ vốn sản xuất, phát triển kinh tế hộ; biểu diễn văn hóa cồng chiêng…

Phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số với công tác đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới, đấu tranh chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 17 xã, 01 thị trấn, 167 thôn, bản vùng biên giới, trong đó có 58 thôn bản giáp biên giới với chiều dài toàn tuyến 179,628km; dân số 15.025 hộ, 67.573 khẩu; có 62 vị trí mốc giới, 68 cột mốc và 25 cọc dấu. Công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ và phối hợp giải quyết những vấn đề tồn tại về xâm canh, xâm cư, kết hôn qua biên giới, giấy khai sinh, hộ khẩu đối với đồng bào vùng biên giới giữa nước ta với nước bạn Lào được quan tâm thực hiện, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Bộ đội biên phòng cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới; thực hiện tốt việc gặp gỡ, hội đàm; phối hợp tuần tra chung; tổ chức thăm hỏi, giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới, đặc biệt là phối hợp với các cơ quan thực hiện và nhân rộng mô hình kết nghĩa Bản - Bản. Ngoài ra, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương mở rộng quan hệ với chính quyền địa phương các huyện tiếp giáp, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng hiệp định, quy chế, quy tắc về vấn đề biên giới; phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, buôn lậu, vượt biên trái phép giáp biên giới; chống âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.

Phối hợp tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TTg, ngày 09/01/2019  của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; kết hợp tổ chức gặp mặt già làng, trưởng bản, người có uy tín; BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các địa phương biểu dương, tặng nhiều giấy khen động viên, ghi nhận những tập thể, cá nhân tiêu biểu.

Đến nay, trong toàn vùng đã có 24 thôn bản, 9.785 người tham gia mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”; 41 thôn bản, 4.672 người tham gia mô hình “Thôn bản không có tội phạm về ma túy”. Trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” có 1.021 hộ/2.262 khẩu tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 149 tổ/897 người tham gia Tổ tự quản an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Xác định công tác xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ dân vận, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức quan trọng, các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã chăm lo kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều đổi mới cả về lượng và chất. Ở các đồn biên phòng có tổ vận động quần chúng. Ở thôn, bản, khu dân cư có Tổ dân vận, Ban công tác mặt trận. Đối với 41 xã có đồng bào dân tộc thiểu số, đa số bố trí, phân công đồng chí Phó Bí thư thường trực hoặc Trực Đảng làm Trưởng khối dân vận. Ban Dân vận cấp huyện, phân công đồng chí UVTV làm Trưởng Ban. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay đã có 3 huyện đã tiến hành thí điểm hợp nhất Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMT (huyện Vĩnh Linh, Hướng Hóa và Đakrông).

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có một số chủ trương, chính sách khi ban hành không sát dân, thiếu thực tiễn, không nắm và dự báo được tâm tư và nguyện vọng, chưa có sự tham gia ý kiến, góp ý của nhân dân nên chưa được đồng bào đồng tình ủng hộ. Từ những hạn chế đó, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị các địa phương đã tập trung đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết phải xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên gương mẫu, hướng về cơ sở, phát huy dân chủ, gần dân, sát dân; cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng của đồng bào và yêu cầu của thực tiễn đặt ra. T.Trang

3686 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 659
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 659
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76704095