Nhiều người bệnh cho biết, khi mắc bệnh Covid-19 chỉ bị ho nhẹ, mất khứu giác tầm 4 - 5 ngày đã khỏi. Tuy nhiên, không ít người sau nhiều tháng khỏi bệnh, sức khỏe vẫn chưa thể hồi phục như trước. Có người bị ảnh hưởng tới phổi, đường hô hấp, một số cơ quan khác trong cơ thể sau khi mắc Covid-19 và hiện tượng này có thể kéo dài tùy vào thể trạng, cơ địa của từng người. Khi bị các di chứng “hậu Covid”, chất lượng cuộc sống của người bệnh suy giảm rõ rệt và nỗi ám ảnh về căn bệnh nguy hiểm này khó có thể chấm dứt. Vì vậy, để phát hiện sớm tình trạng mắc hội chứng “hậu Covid-19”, bệnh nhân sau khi chữa trị khỏi Covid-19 cần tới cơ sở y tế để tái khám trong khoảng thời gian từ 2 - 4 tuần; thực hiện các xét nghiệm, chụp X-quang, kiểm tra chuyên sâu về tim, mạch để đánh giá tổng quát, tầm soát. Bên cạnh đó, những người mắc hội chứng “hậu Covid-19” cần tăng cường hoạt động, vận động cơ thể bởi càng vận động, cơ thể càng sản sinh ra nhiều động năng cũng như kích hoạt kháng thể bản thân để chống chọi với Covid-19. Đặc biệt, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, có niềm tin và tuân thủ phác đồ điều trị của y tế, có như vậy mới chữa trị, phục hồi nhanh những di chứng “hậu Covid-19”.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 của nước ta đã đạt đến độ miễn dịch cộng đồng. Dù vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng những người đã tiêm phòng đủ 02 mũi vaccine trở lên sẽ ít có nguy cơ bị bệnh nặng và các hội chứng “hậu Covid-19” hay nói cách khác, hội chứng “hậu Covid-19” ít có nguy cơ ảnh hưởng đến những người đã tiêm đủ 02 liều vaccine[1].
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế và các cơ quan chức năng cần tập trung chăm lo giai đoạn “hậu Covid-19” cho người bệnh. Mục đích nhằm quản lý, chăm sóc, điều trị tích cực cho người mắc di chứng “hậu Covid-19”, đảm bảo về sức khỏe thể chất, tinh thần cho người bệnh. Những tác động tiêu cực đến sức khỏe khi bị mắc các bệnh lý “hậu Covid-19” là điều chúng ta không hề mong muốn. Với các bệnh nhân Covid-19 nặng, xuất hiện xơ sẹo phổi “hậu Covid” sẽ phải điều trị dài ngày, sử dụng thuốc chống viêm, hỗ trợ hô hấp... Bên cạnh đó, những người bị nhiễm Covid-19 cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tăng cường thực hiện các bài tập thở, tập ho nhằm tăng khả năng của hệ hô hấp, giúp quá trình phục hồi nhanh hơn. Để phòng các di chứng “hậu Covid-19” liên quan đến phổi và hô hấp, người bệnh nên tuân thủ tốt các hướng dẫn của thầy thuốc trong quá trình điều trị khi mắc Covid-19. Bởi vì, Covid-19 gây tổn thương không chỉ ở phổi mà còn nhiều cơ quan khác. Người bệnh bị nhiễm Covid-19 dù nặng hay nhẹ, kể cả không triệu chứng, điều trị tại nhà sau 2 tuần khỏi bệnh nên đến các cơ sở chuyên khoa khám, để sớm phát hiện và được điều trị những di chứng “hậu Covid-19”[2].
Vấn đề đặt ra là mỗi gia đình, mỗi người dân và cộng đồng phải bình tĩnh trước vấn đề hội chứng “hậu Covid-19”; bên cạnh phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, tăng cường tập luyện, vận động để cơ thể sớm trở lại trạng thái ban đầu. Và quan trọng hơn cả là phải thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; tích cực tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19, bởi tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể khỏi những tác động của virus SARS-COV-2 và hạn chế được các biểu hiện của hội chứng “hậu Covid-19”. Trí Ánh (tổng hợp từ nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)
[1] Trong bản đánh giá của Cơ quan An ninh y tế Anh, nguy cơ bị các triệu chứng hậu Covid-19 ở những người đã tiêm hai mũi vaccine của Pfizer-BioNTech, AstraZeneca hoặc Moderna, hay vaccine một mũi của Johnson & Johnson thấp hơn 50% so với những người chưa được tiêm vaccine.
[2] Nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã thành lập khoa điều trị “hậu Covid-19” nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, quận Hoàng Mai, Hà Nội…