Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ phòng chống thiên tai tại miền Trung, Tây nguyên 

(ĐCSVN) - Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, theo ông Trần Quang Hoài, trong thời gian tới, sẽ tập trung vào hai điểm chính. Đó là nâng cao năng lực cho cộng đồng, người dân, các cấp chính quyền và tăng cường trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.

 

Xung quanh việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài (Ảnh: B.T)

Phóng viên (PV): Những năm gần đây, khu vực miền Trung, Tây Nguyên liên tục xảy ra những thiên tai cực đoan, vậy trong năm nay, chúng ta đã có những chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng cho công tác ứng phó, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Chúng ta vừa mới trải qua những đợt thiên tai rất dữ dội ở khu vực miền Trung, Tây nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung. Với khu vực miền Trung, Tây nguyên, gần như năm nào thiên tai xảy ra cũng rất khốc liệt. Và để có thể chuẩn bị ứng phó với các tình huống sẽ xảy ra, nhất là những tình huống thiên tai diễn biến phức tạp, năm nay, chúng tôi đã chủ động triển khai sớm cho khu vực này để làm sao chúng ta nhận diện những vấn đề còn tồn tại, thách thức của những năm vừa qua. Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực nhưng chúng ta thấy vẫn còn rất nhiều điểm yếu bộc lộ, từ khả năng ứng phó của cơ sở hạ tầng, công trình, của người dân đến những kế hoạch chúng ta triển khai theo các quy định hiện hành thì hiện vẫn có nhiều vấn đề còn tồn tại.

Bên cạnh đó, những khu vực mất an toàn hiện nay vẫn còn rất lớn tại khu vực miền Trung, Tây nguyên. Đồng thời, việc chúng ta triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở cũng còn là những câu chuyện mà chúng ta sẽ phải nỗ lực rất lớn.

PV: Ông có đánh giá như thế nào về những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai tại khu vực miền Trung và Tây nguyên?

Ông Trần Quang Hoài: Khu vực miền Trung, Tây nguyên là vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai dữ dội nhất. Chính quyền và người dân ở đây đã rất nỗ lực để ứng phó với thiên tai, đồng thời đây cũng là khu vực được tập trung, quan tâm chỉ đạo lớn nhất. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì ở đây còn rất nhiều điểm mà chúng ta phải tập trung hỗ trợ cho khu vực này. Và bản thân các địa phương ở khu vực này cũng phải nỗ lực hơn và tăng cường hơn nữa trong công tác phòng chống thiên tai.

Như chúng ta đã thấy, đợt mưa lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, đã bộc lộ rất nhiều vấn đề. Từ quy trình vận hành, theo dõi giám sát đối với mưa lũ của các hồ chứa, đến việc đảm bảo an toàn cho khu vực ven biển đang còn rất nhiều chỗ yếu. Nhất là việc đảm bảo an toàn cho số lượng lớn tàu thuyền đánh bắt xa bờ, ven bờ, rồi các khu vực dân cư ven biển, khu vực vùng thấp trũng, khu dân cư ở vùng sạt lở miền núi. Đây là những điểm đang còn nhiều vấn đề tồn tại rất lớn.

PV: Vậy, về phía Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sẽ tập trung những giải pháp gì cho khu vực này trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Quang Hoài: Việc đầu tiên là chúng tôi sẽ tăng cường công tác năng cao năng lực cộng đồng, năng lực cho người dân, các cấp chính quyền để làm sao chủ động trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai ở khu vực này.

Thứ hai là sẽ tăng cường trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai. Kế hoạch trung hạn của nhiệm kỳ này cũng đã tăng cường rất nhiều cho khu vực miền Trung, Tây nguyên để nâng cao cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai. Đây là hai điểm lớn mà chúng ta cần tập trung triển khai.

Sẽ có rất nhiều các công trình, từ các khu neo đậu tàu thuyền sẽ được mở rộng và nâng cấp. Bên cạnh đó khu vực hệ thống đê kè cũng được tăng cường đầu tư, đến các hồ chứa,… Đây là những công việc thuộc về ngành Nông nghiệp.

Còn ở các Bộ, ngành khác, đó là việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông, những khu vực dân cư,… Hiện, chúng ta cũng đã có trong kế hoạch, mang tính tương đối toàn diện và sẽ triển khai rộng khắp ở các khu vực.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!./.

 
BT (ghi)
187 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 714
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 714
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87235057