Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp triển khai Đề án 

Đó là chia sẻ của của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp triển khai Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và gian lận xuất xứ diễn ra sáng ngày 9/7, tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, nhằm triển khai Đề án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu đại diện Cục Phòng vệ thương mại và các đơn vị thuộc Bộ nêu các ý kiến cụ thể về tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cũng như đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Đề án.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng không sản xuất ở Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là rau củ, quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn; doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng, chưa có chế tài xử lý nghiêm. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đề xuất các giải pháp tăng cường công tác cảnh báo, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, tăng cường hậu kiểm, bên cạnh đó, cần có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ, truy xuất nguồn gốc.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước đồng tình với ông Trần Hữu Linh trong việc Bộ Công Thương sớm có Đề án truy xuất nguồn gốc. Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ đề cập đến tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước những tháng đầu năm, những mặt hàng và những thị trường có dấu hiệu bất thường, qua đó, các đơn vị khẳng định sẽ theo dõi sát sao các thị trường, phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ tại nước ngoài để có những cảnh báo sớm nhất cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nêu vấn đề khó khăn trong công tác phòng chống gian lận thương mại là vấn đề con người. Vì vậy, trong Kế hoạch triển khai Đề án, đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề xuất vấn đề tăng cường nhân lực. Ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh, chia sẻ thông tin cần dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện tại, Cục đã đẩy mạnh việc thực hiện C/O điện tử và hướng tới không sử dụng C/O giấy.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, với Đề án này, lần đầu tiên trong tiến trình hội nhập chúng ta đạt trình độ đấu tranh chống gian lận thương mại, lẩn tránh phòng vệ thương mại. Điều này liên quan trực tiếp đến thành công và tính hiệu quả của công tác hội nhập nước ta, đặc biệt trong bối cảnh vừa ký các Hiệp định thương mại tự do.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hiện nay, nếu không quan tâm thỏa đáng đến công tác phòng vệ thương mại thì ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công tác hội nhập. Nếu làm không nghiêm và chặt chẽ thì các mối quan hệ đối tác, đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, không chỉ "đối ngoại", ngay trong vấn đề "đối nội", mở cửa thương mại mà để gian lận xuất xứ, gian lận thương mại cũng làm tổn thương đến cả thị trường nội địa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ đều phải xác định rõ trách nhiệm của mình để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, Cục Phòng vệ thương mại tổng hợp các ý kiến góp ý của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Vụ Kế hoạch, Vụ Thị trường trong nước... để hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/7/2019. Cục Phòng vệ thương mại sẽ là đơn vị thường trực thực hiện Đề án của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương với các Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan, Thuế), Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư...; chia sẻ thông tin chung liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại... Các đơn vị thuộc Bộ đặc biệt quan tâm đến những nhóm mặt hàng có "nguy cơ" như thủy sản, nông sản, dệt may, da giày, gia dụng, điện tử... và các thị trường trọng điểm như châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... cần có cơ chế giám sát đặc biệt. Bên cạnh đó, các đơn vị phải chú trọng công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp luật hướng tới đối tượng và chủ thể là doanh nghiệp và người dân./.

Tin, ảnh: Kim Dung