Tăng cường chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 

(Chinhphu.vn) - Thực trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành kiểm sát, tòa án và bàn về các giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác này nhằm bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội giao đã được bàn luận, đánh giá.

 

Tọa đàm "Tăng cường chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm". Ảnh: VGP/Nhật Nam

"Tăng cường chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm" là chủ đề của cuộc tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tại Hà Nội vào chiều 7/5.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ Quốc hội giao trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân; Báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của ngành tòa án năm 2019 gửi đến Quốc hội cho thấy một số công tác chưa thật sự đáp ứng yêu cầu; trong đó có công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. 

Cụ thể, theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo 2188/BC-UBTP14, ngày 19/10/2019, đối với ngành kiểm sát, kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự của tăng không nhiều so với năm 2018; tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ, việc dân sự, kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính được Tòa án chấp nhận đều giảm so với năm 2018.

Với ngành tòa án, tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 51%, chưa đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội. Qua khảo sát, giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy vẫn còn một số trường hợp khiếu nại bức xúc, kéo dài do việc giải quyết đơn chưa kịp thời.

Bản chất kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là mở ra một môi trường tố tụng đủ để khắc phục những sai lầm nghiêm trọng của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đây cũng là hy vọng, cơ hội cuối cùng của người dân nên yêu cầu đặt ra với ngành kiểm sát và tòa án là làm tốt, làm đúng và tỷ lệ giải quyết cao các đơn đề nghị.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá thực trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành kiểm sát, tòa án và bàn về các giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác này nhằm bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội giao.

Nhiều đại biểu đánh giá thực trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành kiểm sát, tòa án hiện nay còn nhiều phức tạp, hạn chế. Đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng vì án sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều sai sót.

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho biết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều vì án sơ thẩm, phúc thẩm chất lượng không cao nên người ta phải "phản pháo".

Ông Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng diễn biến đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay còn nhiều phức tạp. Tình trạng khiếu nại vượt cấp, kháng nghị còn nhiều.

Số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành tòa án nhận được năm 2017 là hơn 18.000 vụ, năm 2018 hơn 15.000 vụ, năm 2019 hơn 19.000 vụ.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng đơn giám đốc thẩm nhiều chính là vì sơ thẩm, phúc thẩm có nhiều sai sót do điều tra, kiểm sát, tòa án.

Luật sư Phạm Công Hùng - nguyên thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, cho hay tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do đơn đề nghị giám đốc thẩm rất nhiều nhưng đội ngũ giúp việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn chưa đủ số lượng, chất lượng.

Khác với trước đây, các Bộ luật Tố tụng dân sự, hình sự, hành chính... giao thẩm quyền giám đốc thẩm cho Tòa án nhân dân Tối cao, cấp cao và các tòa án cấp tỉnh, nhưng giờ các tòa án cấp tỉnh không có thẩm quyền giám đốc thẩm. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân Cấp cao cũng tồn tại nhiều vấn đề như các đơn vị chuyên môn giúp việc lại là các phòng độc lập mà không nằm ở tòa chuyên trách. Các tòa chuyên trách nắm rất chuyên sâu nhưng lại không được tận dụng.

Theo các đại biểu, để tăng cường chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân Tối cao nên quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ thẩm tra viên.

Nhật Nam
301 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 667
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 667
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77472373