|
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Dự và chỉ đạo Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Mai Lương Khôi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái và toàn hệ thống thi hành án dân sự trong cả nước.
Bất cập của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình và bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và sai phạm trong các cơ quan thi hành án dân sự và kế hoạch cụ thể của Chương trình hành động của Tổng cục THADS về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong hệ thống thi hành án dân sự; kết quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...
Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng. Luật dành riêng một mục quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Để hướng dẫn thi hành Luật, ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tuy nhiên, quy định của Luật vẫn còn hạn chế. Đó là, Luật Phòng, chống tham nhũng mới quy định việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức kê khai tài sản, thu nhập không trung thực mà chưa có quy định vấn đề xử lý đối với tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; chưa quy định các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện tài sản có dấu hiệu tham nhũng bị tẩu tán, chuyển dịch hay huỷ hoại; chưa quy định về trách nhiệm giải trình về tài sản của người thân trong gia đình người thuộc diện kê khai, công khai tài sản, thu nhập khi có cơ sở nghi ngờ họ giúp che dấu tài sản, thu nhập.
Theo bà Lê Thị Vân Anh, Luật Thanh tra hiện hành quy định việc áp dụng một trong các biện pháp như tạm giữ tiền, đồ vật sử dụng trái phép, phong toả tài khoản, kiểm kê tài sản đối tượng thanh tra… chỉ được thực hiện đối với tiền hoặc tài sản liên quan đến nội dung thanh tra (tiền, tài sản trong phạm vi thanh tra). Trường hợp phát hiện tiền, tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc phạm vi thanh tra thì người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra cũng không được áp dụng một trong các biện pháp trên. Như vậy, khả năng đối tượng bị thanh tra tẩu tán tài sản liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chưa có quyết định thanh tra khác để mở rộng phạm vi thanh tra là rất lớn.
Hiện nay, Luật Thanh tra đang sửa đổi, cần bổ sung một số biện pháp ngăn chặn mà cơ quan thanh tra hoặc người có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra có thể áp dụng ngay mà không cần phải yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn không để nguy cơ tẩu tán tiền, tài sản. Theo đó, cùng với biện pháp yêu cầu phong toả tài khoản thì có áp dụng cả biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật hoặc kê biên tài sản nếu căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra sẽ tẩu tán, chuyển dịch tiền, tài sản.
|
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Lê Sơn. |
Thành lập Tổ công tác thi hành các vụ án lớn, phức tạp
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động của Tổng cục THADS trong tham mưu, đề xuất, lựa chọn nội dung tổ chức Hội nghị này. Theo Bộ trưởng, sự ra đời của Chỉ thị 04–CT/TW của Ban Bí thư có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ, ngành tư pháp và nhất là Hệ thống Thi hành án dân sự trong việc nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành Chỉ thị riêng về công tác này, thể hiện sự quan tâm đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng như công tác thi hành án dân sự.
Bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu bên cạnh các giải pháp triển khai có hiệu quả, thiết thực Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư, Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kế hoạch của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư một cách bài bản, đi vào thực chất; mỗi đảng viên, công chức trong toàn Hệ thống THADS phải tự nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực THADS.
Đồng thời, trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cần tập trung rà soát, lập kế hoạch, phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; những vụ việc có tài sản để thi hành án. Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh COVID-19, chủ động áp dụng nhiều giải pháp như thành lập Tổ công tác thi hành các vụ án lớn, phức tạp; xây dựng kế hoạch, tích cực chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để có thể giao tài sản ngay khi địa phương hết giãn cách.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã biểu dương Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án tỉnh Phú Thọ và cơ quan hữu quan nỗ lực thu hồi 3 triệu USD tại nước ngoài trong vụ án Phan Sào Nam phạm tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền.
Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, công chức Hệ thống THADS gắn với việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong từng cơ quan đơn vị. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp giữa "xây và chống" trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm trong hoạt động THADS.
Xác định rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; nhất là vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện tiêu cực, sai phạm của công chức trong cơ quan, đơn vị mình quản lý; thực hiện trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo các cơ quan THADS.
Lê Sơn