Đó là những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng phân bón được chỉ ra tại “Hội nghị về công tác nông vận trong sản xuất, cung ứng và sử dụng phân bón ở nước ta hiện nay”. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 24/7.

 

Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, hiện nay cả nước có 735 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, có 565 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ do Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp phép; 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ với công suất 2,5 triệu tấn/năm do Cục Bảo vệ thực vật cấp phép hoạt động, chiếm 8,5% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và gần bằng 1/10 so với phân bón vô cơ (26,7 triệu tấn/ năm).

Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 4,975 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó SA và KALI là 2 loại phân bón có tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (trên 1 triệu tấn). Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phân bón lớn nhất, với lượng cung cấp gần 50% lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam.

Cũng theo ông Lương Quốc Đoàn, nhằm chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, các cấp Hội Nông dân đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, nông dân về các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý phân bón, chế tài xử phạt vi phạm, cách nhận biết phân bón giả, kém chất lượng. Đồng thời, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia giám sát, phát hiện, cung cấp thông tin, dấu hiệu vi phạm và phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán phân bón.

Trung ương Hội, các tỉnh, thành Hội đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phán ánh, kiến nghị của hội viên, nông dân và các tổ chức, cá nhân về những hành vi, dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sản xuất, kinh doanh phân bón. Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chuyên môn thành lập các đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý phân bón tại một số địa phương. Trong hơn 4 năm, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp tổ chức 1.830 cuộc giám sát tại địa bàn một số huyện, xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kiến nghị nhiều nội dung với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng khắc phục những hạn chế trong công tác chỉ đạo thực hiện và sửa đổi những bất cập trong chính sách, pháp luật về quản lý phân bón.

Tuy nhiên, hiện nay, trong công tác quản lý, sử dụng phân bón vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Trong đó, còn thiếu các giải pháp chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ dẫn đến mất cân đối nghiêm trọng trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ. Số lượng các sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng được cấp phép lưu hành ở Việt Nam là 14.318 sản phẩm ( riêng vô cơ là 13.423 sản phẩm, hữu cơ 713 sản phẩm, sinh học là 182 sản phẩm). Theo đó, số lượng, chủng loại phân bón vô cơ đang sản xuất, buôn bán, sử dụng trong nước gấp hơn 19 lần so với phân bón hữu cơ.

Cùng với đó, việc tổ chức cung ứng phân bón còn chồng chéo, nhiều tầng, nhiều nấc. Cùng một chủng loại phân bón cho một loại cây trồng nhưng cơ sở sản xuất các tỉnh phía Nam đưa ra Bắc và ngược lại làm tăng giá thành và người nông dân phải tăng chi phí mua phân bón đầu tư cho sản xuất.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng phân bón sử dụng lớn, song hiệu quả sử dụng phân bón hiện nay chỉ đạt 40-45% với phân đạm, 25-30% với phân lân và 55-60% với phân kali. Việt Nam đang mất cân đối nghiêm trọng về sử dụng phân bón và nhiều nơi lạm dụng phân bón để đầu tư, thâm canh cây trồng, khai thác triệt để đất và sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và hệ sinh thái môi trường.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay, Bộ đang tiếp tục rà soát đánh giá các hồ sơ chất lượng của các sản phẩm phân bón đang lưu hành, rà soát đánh giá chấn chỉnh các cơ sở sản xuất phân bón nhằm loại ra các sản phẩm phân bón, cơ sở sản xuất kém chất lượng. Trong quản lý phân bón sẽ phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu phân bón. Khuyến khích sản xuất phân bón hữu cơ, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ nhằm tăng tỷ lệ của phân bón hữu cơ. Đồng thời, mong muốn Hội Nông dân khuyến khích hội viên sử dụng phân bón hữu cơ; có chương trình phối hợp, hướng dẫn cho người dân sử dụng phân bón hiệu quả; phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền trong công tác quản lý sử dụng phân bón.

Tại Hội nghị, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chiến lược phát triển phân bón hữu cơ và có các chính sách, cơ chế thích hợp về tài chính, về thuế, quy hoạch; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu trong nước nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong một đơn vị phân hữu cơ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hướng dẫn nông dân tự sản xuất và sử dụng rộng rãi phân bón hữu cơ nhằm chuyển dần từ sử dụng phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ cho các loại cây trồng.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tổng thanh tra, kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón các tỉnh, thành cả nước. Công bố địa chỉ đường dây nóng trên toàn quốc để người dân cung cấp thông tin, tố giác các hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sản xuất, buôn bán phân bón. Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện công tác thông tin, truyền thông về tình hình và cách nhận biết phân bón giả, kém chất lượng đến nông dân./.

 

BT