|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Mặt hàng thiết yếu vẫn nhiều xu hướng tăng
Xăng dầu là mặt hàng có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống kinh tế xã hội, có tác động lớn đến việc kiểm soát lạm phát; với quyền số chiếm khoảng 3,6% trong CPI thì mức tăng giá xăng dầu kỳ điều hành ngày 11/3/2022 sẽ tác động làm tăng CPI khoảng 0,4%.
Giá xăng dầu trên thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá xăng dầu thành phẩm thế giới (giá Platts Singapore) bình quân 10 ngày đầu tháng 3/2022 tăng từ 34,09% đến 48,4% so với bình quân tháng 1/2022 đã tác động vào làm tăng giá xăng dầu trong nước từ 24% - 37% (từ 5.242 đồng đến 7.689 đồng/lít, kg) tùy từng chủng loại. Sau thời điểm tăng đột biến trong 2 tuần đầu tháng 3, có lúc lên tới 150 USD/thùng, giá xăng dầu đã có dấu hiệu chững lại trong những ngày gần đây.
Bộ Tài chính cho biết, tuy chịu tác động mạnh của giá xăng dầu thế giới nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn được điều hành linh hoạt để góp phần hạn chế đà tăng giá. Trong kỳ điều hành ngày 11/3/2022, quỹ bình ổn giá đã tăng chi sử dụng lên mức từ 750 – 1500 đồng/lít với các mặt hàng xăng, dầu diezel, qua đó hạn chế tác động từ mức tăng đột biến của giá thế giới. Công tác điều hành giá xăng dầu đã đã bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nguồn cung xăng dầu đã được Bộ Công Thương chỉ đạo khắc phục; các Bộ Tài chính, Công thương đã kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế quản lý để bình ổn giá trong nước.
Đối với mặt hàng khí hóa lỏng - gas (LPG) trong nước được điều chỉnh thông qua giá tham chiếu (CP). Giá CP trên thị trường thế giới có giảm trong tháng 1, nhưng đã tăng trong 2 tháng tiếp theo; Theo đó, giá LPG trong nước cũng được điều chỉnh tăng tương ứng với tổng mức tăng khoảng 48.000 đồng/bình 12kg.
Trước bối cảnh giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao cũng như các biện pháp trả đũa dừng cấp khí đốt của Nga với EU, giá LPG trong giai đoạn tới dự báo tiếp tục tăng và tác động đến giá LPG trong nước. Theo đó, để tăng cường công tác quản lý giá, các cơ quan tiếp nhận kê khai (Bộ Tài chính và các Sở Tài chính) nắm bắt diễn biến giá CP, tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật về kê khai giá, có biện pháp công khai thông tin về giá kê khai. Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.
Với chi phí xăng, dầu chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu giá thành nên trước biến động tăng của giá xăng dầu trong hơn 2 tháng đầu năm đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, vận tài hàng hóa đường bộ. Qua thông tin nắm bắt thì các doanh nghiệp vận tài đều đang tính toán để tăng giá cước; Trong đó hãng taxi công nghệ Grab đã thông báo mức tăng giá tất cả dịch vụ từ 10/03/2022 với mức tăng từ 2.000 – 2.500 đồng cho 2km đầu tiên và 500 – 600 đồng cho các km tiếp theo; Các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng như các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng đang tính toán mức tăng giá phù hợp nhằm không gây ảnh hưởng quá lớn do hiện nay nhu cầu đi lại vẫn thấp, việc tăng giá có thể càng gây ảnh hưởng đến kinh doanh.
Bên cạnh các mặt hàng năng lượng, các mặt hàng nguyên liệu trên thế giới cũng có biến động tăng trong thời điểm gần đây như thép thép xây dựng; thức ăn chăn nuôi…
CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao
Bộ Tài chính cho rằng, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm được cho là rất khó khăn, không thể chủ quan.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%). Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 9 tháng còn lại của năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trong cuộc họp mới đây đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình, đảm bảo đủ nguồn cung đối với từng mặt hàng cụ thể. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng dẫn đến giá cả biến động.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao quản lý chặt chẽ từng mặt hàng cụ thể theo đúng quy định của pháp luật về giá. Những vấn đề vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Mục tiêu trọng tâm là phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế…) theo đúng quy định của pháp luật về giá.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong điều kiện biến động khó lường, phải tăng cường biện pháp quản lý, các bộ, ngành, địa phương phải hết sức sát sao, nắm chắc tình hình, thực hiện các biện pháp điều hành giá linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Liên quan đến giá xăng dầu, thị trường thế giới vừa qua tăng cao do chịu tác động lớn từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Giá xăng dầu trong nước vẫn tăng thấp hơn so với mức tăng của giá xăng dầu thế giới do các cơ quan điều hành tăng cường sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ Bình ổn giá phù hợp. Trong kỳ điều hành ngày 11/3/2022, Quỹ Bình ổn giá đã tăng chi sử dụng lên mức từ 750 - 1.500 đồng/lít với các mặt hàng xăng, dầu diezel, hạn chế tác động từ mức tăng đột biến của giá thế giới.
Bộ Tài chính cho rằng, mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Trên cơ sở nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Ngoài ra, cần sử dụng Quỹ Bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước; địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Chiều 16/3 vừa qua, phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.
Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của phiên họp thứ 9 trong tháng 3 để tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4./.