Tăng cường bảo vệ quyền trẻ em ở các đô thị 

(Chinhphu.vn) - Ngày 28/8, TP. Đà Nẵng, Bộ LĐTB&XH phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức hội thảo “Tham vấn các vấn đề trẻ em trong bối cảnh đô thị để xây dựng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em”.

 

Ảnh: VGP/Lưu Hương

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ các bước tiếp cận nhằm thực hiện sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em; đưa ra các giải pháp cho trẻ em trong bối cảnh đô thị và di cư từ góc nhìn của các địa phương…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 của Việt Nam đã xác nhận mục tiêu: Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em. Đây cũng là mục tiêu có tính chiến lược cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.

Chương trình hành động này chuẩn bị kết thúc, đây là thời điểm để nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả cũng như khó khăn tồn tại của chương trình. Là thời điểm để trao đổi, xem xét và thảo luận các vấn đề mới nổi lên trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em do tác động tiêu cực của đô thị hoá, di dân và biến đổi khí hậu; những áp lực do thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, việc làm, an sinh xã hội…

Để giải quyết vấn đề trẻ em trong thành phố cần phải đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong việc thực hiện quyền trẻ em, mở rộng quan hệ đối tác giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp nhằm phát huy tối đa nguồn lực và kinh nghiệm trong thực hiện quyền trẻ em; phát huy vai trò điều phối, phối hợp liên ngành của chính quyền các tỉnh, thành phố trong giải quyết vấn đề trẻ em.

Bên cạnh đó, chính quyền đô thị cần chú trọng việc đầu tư, quy hoạch phát triển cơ sở vật chất bảo đảm các quyền của trẻ em; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện các quyền trẻ em vào quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ngành; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội giải quyết các vấn đề trẻ em hợp tác công tư và vận động phát triển dịch vụ công.

Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, TP. Đà Nẵng đã không ngừng chăm lo đến các vấn đề an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần đem lại một môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tuy nhiên, thành phố vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức của quá trình đô thị hóa, các dịch vụ trợ giúp xã hội dành cho trẻ em còn hạn chế, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn tăng; vấn đề trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bị xâm hại; việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thế giới công nghệ số, môi trường mạng chưa được quan tâm đúng mức.

“Trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển công tác trẻ em phù hợp với tình hình phát triển đô thị của thành phố; gắn mục tiêu phát triển trẻ em với mục tiêu phát triển thành phố bền vững; ưu tiên bố trí đất phục vụ cho các nhu cầu liên quan đến trẻ em, đặc biệt là các khu vui chơi, giải trí, công viên…

Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng và hoàn thiện mạng lưới cung cấp các dịch vụ về y tế, giáo dục, nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng; đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cấp, địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ em, nhất là việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực”, ông Lê Trung Chinh khẳng định.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ: Thành phố thân thiện với trẻ em là một sáng kiến thu hút 3.300 thành phố trên thế giới tham gia thực hiện. Sáng kiến góp phần quan trọng trong việc thực hiện quyết sách, các văn bản hướng dẫn pháp luật về trẻ em và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội có lồng ghép các vấn đề về quyền trẻ em. Việc thực hiện Sáng kiến mang lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em và bảo đảm sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố và quốc gia trong hiện tại và tương lai.

Lưu Hương

282 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 952
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 952
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87220131