Tăng cường bảo đảm an ninh trong hệ thống ngân hàng 

(Chinhphu.vn) – Ngành ngân hàng cần tăng cường hơn nữa phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cùng với kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm để tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an ninh, an toàn hệ thống.

Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN)  được tổ chức ngày 12/10.

Ảnh: Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị.VGP/Huy Thắng

 

Thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu. Qua đó, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực và hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được nâng cao.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, hoạt động thanh tra giám sát và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan lĩnh vực ngân hàng, NHNN và một số cơ quan chức năng đã tổng kết, chỉ ra một số vi phạm đã làm ảnh hưởng đến niềm tin công chúng.

Những vi phạm đã diễn ra trong thời gian vừa qua, tập trung vào một số nội dung như: vi phạm quy định về cấp tín dụng, cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng; vi phạm về huy động vốn và gửi tiền; vi phạm về quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vi phạm quy định về tỷ lệ, giới hạn an toàn; vi phạm quy định về hạch toán kế toán, quản lý tài chính...

Trước tình hình đó, để thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan thảo luận, tìm giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng.

Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, cùng với kiên quyết xử lý kịp thời các vi phạm để tạo môi trường kinh doanh tiền tệ, tín dụng lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an ninh, an toàn hệ thống các TCTD và góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đại diện các đơn vị đã tập trung phân tích tình hình vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và kết quả điều tra các vụ án kinh tế, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật và giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng...

Nhiều ý kiến từ đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng, các đơn vị trong hệ thống ngân hàng cũng đã đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của ngành Ngân hàng trong công tác phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống.

Đáng chú ý, đại diện Bộ Công an đã trao đổi, cung cấp thông tin cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ với NHNN nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo toàn ngành Ngân hàng tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, hệ thống cần khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ;

Cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của TCTD.

NHNN sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bao gồm việc xây dựng, thực thi pháp luật, điều hành chính sách và các vấn đề tài chính, hoạt động, quản trị của các TCTD; kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý rủi ro, vi phạm.

Các TCTD cần đẩy mạnh việc nâng cao năng lực và bộ máy quản trị, điều hành và phát triển các hệ thống quản trị rủi ro và công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong ngành Ngân hàng và tại từng TCTD; tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật; tích cực chủ động và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật của các tập thể và cá nhân.

Cùng với đó, Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng sẽ đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật trong ngành Ngân hàng và đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, nhân viên Ngân hàng; xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tội phạm như gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động ngân hàng.

Đối với các TCTD, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu người đứng đầu tổ chức phải quan tâm, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tại đơn vị; chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống kiểm tra, rà soát toàn bộ các hoạt động nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định của pháp luật liên quan.

Các TCTD cần rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định/quy trình, chính sách nội bộ nhằm đảm bảo cán bộ, nhân viên thực hiện đúng quy trình, quy định nội bộ, quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng; kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ; phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Ngoài ra, các TCTD phải tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về sở hữu vốn; ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các TCTD; thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật;...

“Công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn, qua đó đảm bảo an ninh, an toàn và sự phát triển ổn định của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.” Thống đốc nói.

Huy Thắng

425 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 555
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 555
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84649435