|
Tăng chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước cho 20 Cục Hải quan |
20 đơn vị điều chỉnh tăng là các Cục Hải quan: Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Bình Phước, Điện Biên, Quảng Bình, Đắk Lắk, Thừa Thiên - Huế, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau.
Trong đợt điều chỉnh này nhiều nhất là Cục Hải quan Hà Tĩnh tăng thêm 2.800 tỷ đồng (từ 3.100 lên 5.900 tỷ đồng), Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu tăng thêm 2.600 tỷ đồng (từ 14.900 lên 17.500 tỷ đồng), Cục Hải quan Quảng Ngãi tăng thêm 2.330 tỷ đồng (từ 670 lên 3.000 tỷ đồng), Cục Hải quan Đồng Nai tăng thêm 2.300 tỷ đồng (từ 16.500 lên 18.800 tỷ đồng), Cục Hải quan Hà Nam Ninh tăng thêm 1.000 tỷ đồng (từ 4.200 lên 5.200 tỷ đồng), Cục Hải quan Bình Dương tăng thêm 900 tỷ đồng (từ 12.900 lên 13.800 tỷ đồng).
Một số Cục Hải quan có số điều chỉnh tăng thấp hơn như các Cục Hải quan: Đà Nẵng tăng thêm 330 tỷ đồng, Lào Cai tăng thêm 380 tỷ đồng, Quảng Nam tăng thêm 300 tỷ đồng, Bình Định tăng thêm 110 tỷ đồng, Nghệ An tăng thêm 240 tỷ đồng, Đắk Lắk tăng thêm 170 tỷ đồng, Thừa Thiên- Huế tăng thêm 100 tỷ đồng, Cao Bằng tăng thêm 15 tỷ đồng, Điện Biên tăng thêm 35 tỷ đồng, Bình Phước tăng thêm 20 tỷ đồng, Quảng Bình tăng thêm 40 tỷ đồng.
3 Cục Hải quan đã được giao tăng lần 1 thì lần này vẫn tiếp tục được giao tăng thêm, như Cục Hải quan Quảng Ninh tăng 4.000 tỷ đồng (tăng từ 6.000 lên 10.000 tỷ đồng), Cục Hải quan Khánh Hòa tăng 2.100 tỷ đồng (tăng từ 5.100 lên 7.200 tỷ đồng), Cục Hải quan Cà Mau tăng 16 tỷ đồng (từ 11 lên 27 tỷ đồng).
Cục Hải quan Khánh Hòa được giao bổ sung tổng cả 2 lần là 3.000 tỷ đồng, nâng tổng chỉ tiêu thu NSNN của đơn vị này lên 7.000 tỷ đồng; Cục Hải quan Quảng Ninh phải điều chỉnh tăng thêm trong cả 2 đợt là 355 tỷ đồng, nâng tổng chỉ tiêu thu NSNN của đơn vị này lên 9.500 tỷ đồng; Cục Hải quan Cà Mau phải điều chỉnh tăng thêm cả 2 lần tăng là 10 tỷ đồng, nâng tổng chỉ tiêu thu NSNN của đơn vị này lên 25 tỷ đồng.
Được biết đến thời điểm ngày 4/9/2018, số thu NSNN của ngành Hải quan đạt khoảng 199,423 nghìn tỷ đồng, đạt 70,47% dự toán và 64,55% so với chỉ tiêu phấn đấu (293.000 tỷ đồng). Trong đó, một số Cục Hải quan có số thu lớn như Hải quan TP.HCM đạt 62,27%, Hải Phòng đạt 64,52%, Hà Nội đạt 58,92%... chỉ tiêu thu NSNN được giao.
Việc giao tăng chỉ tiêu thu cho một số cục hải quan tỉnh, thành phố là việc điều chỉnh, quản lý công tác quản lý thu của ngành Hải quan trong thời gian gần đây. Bên cạnh việc giao tăng chỉ tiêu, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố phải theo dõi, bám sát nguồn thu để giao chỉ tiêu cho đơn vị hải quan sát thực tế, đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thu. Về phía Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu phù hợp với địa bàn từng cục hải quan tỉnh, thành phố đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu NSNN hiệu quả, nhằm hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.
Năm 2018, công tác thu NSNN của ngành Hải quan chịu tác động mạnh từ các hiệp định FTA, bên cạnh việc sẽ điều chỉnh giao tăng chỉ tiêu thu cho một số cục hải quan tỉnh, thành phố để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách cả năm, Tổng cục Hải quan cũng luôn yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tập trung chống thất thu qua trị giá, nhất là với hàng hóa có trị giá lớn, thuế suất cao như: ô tô, xe máy, rượu, bia, vải, hàng điện tử gia dụng…
Đồng thời tăng cường kiểm tra ở khâu thông quan và sau thông quan đối với tên hàng, mã số, mức thuế để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; bố trí nguồn lực để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại một cách hiệu quả, góp phần chống thất thu ngân sách…
TT