Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu định hướng Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đó là cơ sở để Bộ GTVT tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa vào chiều 22/3 tại TPHCM.
Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương; đại diện UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở GTVT và gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước.
Ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa. Thực tế cho thấy, phần lớn hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải bằng đường biển. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới vào hoạt động.
Trong năm 2022, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất trên thế giới, đó là Cảng TPHCM đứng thứ 22, Cảng Hải Phòng đứng thứ 28, Cảng Cái Mép-Thị Vải đứng thứ 32.
Không những thế, ngành hàng hải cũng có tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Hằng năm, hệ thống cảng biển Việt Nam đón hàng nghìn chuyến tàu khách du lịch quốc tế từ khắp các nước trên thế giới đến Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, nước ta có các thế mạnh "trời cho", đó là bờ biển dài, gắn với đó là rất nhiều cảng biển lớn đa dạng từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, nước ta còn có hệ thống đường thủy nội địa ở cả ba miền bắc-trung-nam. Tuy nhiên, trong khi vận tải bằng đường bộ về hàng hóa chiếm tới gần 80% thì hệ thống cảng biển, đường biển, hệ thống đường thủy dày đặc vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Ông Thắng bày tỏ, mục tiêu của hội nghị, ngoài việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa (ĐTNĐ) thì Bộ còn mong muốn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để tận dụng thế mạnh nói trên.
"Mong muốn của chúng tôi là trong thời gian tới phải nâng tỉ trọng vận tải hàng hải, đường thuỷ nội địa lên ít nhất là 50%... Nếu làm được điều đó, sẽ giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Điều quan trọng nữa là giảm được tai nạn giao thông, giảm số người chết, số người bị thương. Đây là vấn đề mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm", Bộ trưởng Bộ GTVT bày tỏ.
Ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An trình bày tham luận tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi để phát triển các đội tàu
Theo ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, có thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ 48 tàu.
Trong đó, có nhiều tàu đã trên 25 tuổi và theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu, có thể sẽ không được vận chuyển.
Để duy trì phát triển đội tàu Việt Nam, ông Hải cho rằng các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó cần ưu tiên phát triển tàu có capacity từ 1.700 TEU; ưu tiên tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng.
Tuy nhiên, theo ông Hải, khó khăn trong phát triển đội tàu là chi phí đầu tư tàu quá lớn, nhất là tàu container, bởi lãi suất vay tại các ngân hàng tương đối cao và chi phí VAT nhập khẩu tàu là 10%.
Vì vậy, ông Hải đề xuất Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container như miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container.
Đồng thời, đề xuất tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi. Quản lý và điều chỉnh các chí phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam như phí tàu lai dắt, phí bốc xếp một cách đồng nhất, ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đồng quan điểm, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đặt vấn đề bổ sung danh mục phương tiện và đề xuất Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.
Theo ông Liêm, phương tiện vận tải thuỷ kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỉ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên. Ba năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5-2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000TEU/chiếc.
Tuy nhiên, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Ngược lại, tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đường thủy nội địa.
Từ thực tế trên, Hội kiến nghị bổ sung danh mục phương tiện và Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp. Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300-400 tỷ đồng là cao nhất.
Ngoài ra, ông Liêm cho rằng cần xây dựng ban hành Luật Giao thông đường thủy mới, thay thế các quy định lỗi thời, không đồng nhất, dễ dẫn đến tai nạn giao thông trong lĩnh vực hàng hải.
Trình bày một số vấn đề của ngành hàng hàng hải và đường thuỷ nội địa Việt Nam, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, tính đến năm 2023, đội tàu biển Việt Nam có 1.447 tàu. Trong đó, tàu vận tải là 1.015 tàu. Tổng trọng tải đội tàu biển khoảng 10,7 triệu DWT. Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN và thứ 27 trên thế giới với độ tuổi trung bình 15,5 tuổi.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn sở hữu đội tàu mang cờ nước ngoài với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, đội tàu Việt Nam phát triển nhanh trong những năm gần đây, đang đảm nhận 100% sản lượng nội địa và từ 6 - 8% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy vậy, cơ cấu vẫn chưa hợp lý, tàu tổng hợp chiếm tỉ lệ cao, trọng tải tàu nhỏ.
Đối với đường thủy nội địa, hiện cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông.
Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.
Xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới.
Từ thực tế đó, ông Ngọc cho rằng, ngành hàng hải cần tập trung vào nhiều nhiệm vụ như: Rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Hàng hải năm 2015; đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch nhóm, quy hoạch cảng cạn và triển khai thực hiện quy hoạch hiệu quả; triển khai đề án phát triển đội tàu biển; đảm bảo tiến độ các dự án nạo vét, duy tu tuyến luồng.
Đối với đường thủy nội địa, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính; tham mưu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho lĩnh vực đường thủy nội địa; nghiên cứu triển khai xã hội hóa, kêu gọi nguồn vốn ODA để đầu tư vào các công trình, dự án; nâng cấp chất lượng hiệu quả công tác quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; tập trung xử lý các điểm nghẽn trên tuyến luồng nội địa; đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả công tác quản lý Nhà nước…
Anh Thơ