Tận dụng cơ hội từ CPTPP: Đẩy mạnh cải cách thể chế 

(ĐCSVN) - Trong bối cảnh kinh tế hội nhập, những cơ hội từ CPTPP càng quý giá... Các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại sẽ là động lực và áp lực để đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh.

 

Tận dụng cơ hội từ CPTPP:  Đẩy mạnh cải cách thể chế (Ảnh minh họa: K.D)

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Dương-Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, CPTPP hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia khi tạo nên một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường. Vì vậy chúng ta cần tận dụng cơ hội từ CPTPP để đẩy mạnh cải cách thể chế.

CPTPP là cơ hội quý giá

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dương,  CPTPP là hiệp định thương mại tự do mang tính chiến lược rất cao, đặc biệt trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng được thể hiện rõ hơn ở nhiều quốc gia. Việt Nam là thành viên tham gia sáng lập ra hiệp định này. Điều này thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình tạo lập nên luật chơi chung trên quy mô thế giới, là bước tiến mới trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và bản đồ thương mại quốc tế đã bước lên một tầm cao mới. Trong bối cảnh này, việc Việt Nam phê chuẩn CPTPP là bước đi cần thiết hiện thực hóa mong muốn và nhu cầu cải cách thể chế, nhằm tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phần quan trọng của CPTPP là giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư-kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài. Quan sát của tôi cho thấy, Việt Nam đã qua giai đoạn sử dụng hội nhập kinh tế quốc tế như một động lực để cải cách thể chế mà hiện nay việc cải cách thể chế trong nước là nhu cầu tự thân của Nhà nước, Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Về triển vọng kinh tế, theo nhiều tính toán, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ...CPTPP còn xử lý những vấn đề mới như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, DN Nhà nước... Đánh giá của Ngân hàng thế giới cho thấy, tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 1,1%; nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP có thêm ước tính lên tới 3,5%.

Có thể khẳng định, CPTPP sẽ tác động và mang lại lợi ích toàn diện cả về chính trị-đối ngoại lẫn kinh tế, xã hội cho Việt Nam.

….đồng thời là thách thức lớn

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, cải cách thể chế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Đây vừa là nhu cầu vừa là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào sân chơi chung. Như vậy, quan trọng Việt Nam phải duy trì được đà cải cách một liên tục và có chất lượng sau khi chúng ta gia nhập CPTPP. Ngược lại nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực, xuyên suốt của Chính phủ cho tới các cấp cơ sở thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại. Như vậy áp lực cải cách thể chế là rất lớn đối với Chính phủ.

Ngoài ra, làm thế nào để xây dựng được mối quan hệ với nhà đầu tư nước ngoài. CPTPP sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam nhưng làm thế nào truyền tải được lợi ích từ nhà đầu tư tới sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, thách thức cả về điều hành tỷ giá khi dòng tiền vào nhiều... Chúng ta rõ ràng không muốn tình trạng nhà đàu tư vào nhiều, xuất khẩu được nhiều nhưng doanh nghiệp nhà nước lại thu được lợi ích khiêm tốn. Do đó, Việt Nam phải chọn được đối tác phù hợp, trọng tâm nhất vào những ngành Việt Nam có lợi thế.

Ông Nguyễn Anh Dương cho biết thêm, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

K.D (lược ghi)

347 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 581
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 581
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87232374