Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang có nhiều cơ hội để tiến xa hơn ra thị trường thế giới.
(Ảnh minh họa: HAWA)

Nhiều cơ hội rộng mở

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục được duy trì, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm.

Thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỷ USD. Trong khi đó, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như: Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung - Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Thực hiện lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hiệp định CP-TPP và Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU sẽ được phê duyệt, phê chuẩn trong đầu năm 2019, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU, tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan.

Ở trong nước, nguồn nguyên liệu hợp pháp bền vững ngày càng được chủ động sẽ là lợi thế của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, giúp duy trì khả năng xuất siêu ở mức cao hơn. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi tạo “đòn bẩy” cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản của Việt Nam tiếp tục vươn xa hơn ra thị trường thế giới.

Triển khai giải pháp để “bứt phá”

Nhận diện các lợi thế trước mắt, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản cần tận dụng các cơ hội trước mắt, cũng như vượt qua các rào cản về yêu cầu kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu, thách thức trong liên kết sản xuất,…để vươn xa hơn ra thị trường thế giới, hướng tới giá trị xuất khẩu đạt trên 11 tỷ USD như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Đặc biệt, để vươn tầm, đưa khát vọng Việt Nam trở thành công xưởng chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới.

Để thực hiện mục tiêu, Bộ NN&PTNT xác định nhiệm vụ đầu tiên cần triển khai, đó là thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp đã được Chính phủ ban hành; xây dựng kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách thực hiện các cam kết quốc tế mới như: CPTPP, VPA/FLEGT nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển ổn định.

Bên cạnh đó, giải pháp để ngành thực sự có kết quả “bứt phá” là cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong đó, cần tiếp tục chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng thông qua việc kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp. Đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án Quản lý rừng bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để năm 2019 cung ứng gỗ nguyên liệu trong nước đạt từ 3-4 triệu m3 gỗ cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu.

Mặt khác, tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản với người trồng rừng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chế biến; đồng thời, tăng chuỗi giá trị sản phẩm, chia sẻ lợi ích, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người trồng rừng.

Để đảm bảo thị trường ổn định cho xuất khẩu, cần duy trì mức tăng trưởng tại các thị trường hiện có, tìm kiếm mở rộng thị trường tiềm năng, thị trường mới nổi. Nhằm triển khai điều này, Việt Nam cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, tiếp tục triển khai đàm phán và thực hiện chương trình hợp tác lâm nghiệp với một số quốc gia trọng điểm; chú trọng việc hợp tác, hỗ trợ về công nghiệp chế biến lâm sản, nhất là các quốc gia có giá trị thương mại cao.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn xúc tiến thương mại để nghiên cứu, đánh giá xu hướng, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước, xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá cho ngành gỗ trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ các Hiệp hội và các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam về thông tin thị trường, các qui định pháp lý về gỗ hợp pháp của các quốc gia, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý chuỗi, quản trị chất lượng trong khâu cung ứng và truy xuất nguồn gốc gỗ, phân loại doanh nghiệp.

Những giải pháp tích cực đã được Bộ NN&PTNT đề ra cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc đảm bảo triển khai thực hiện được các giải pháp trên mới là điều kiện quan trọng để đảm bảo ngành đạt được các mục tiêu đề ra./.

Uông Linh