Tấm lòng son sắt, thuỷ chung của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô Hướng Hoá đối với Bác Hồ kính yêu 

Là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hoá hiện có gần 90 nghìn nhân khẩu, bao gồm 3 dân tộc anh em Kinh, Vân Kiều, Pa Kô cùng sinh sống, trong đó dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm 50% dân số. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô luôn một lòng, một dạ son sắt, thuỷ chung theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng.

Niềm vinh dự tự hào được mang họ Hồ của Bác.

Theo sử sách ghi lại, năm 1946, trước khi chuẩn bị cho Tổng tuyển cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên. Đoàn mang theo nhiều bức hình của Bác tặng đồng bào các bản, nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng. Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26/6/1946, được sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Coc Tăng (Cooc-la-phăng-xông), tổ chức lễ đâm trâu, cắt máu ăn thề rằng: Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già làng đều thống nhất quyết định lấy họ Hồ của Bác làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Và trong thẻ cử tri của mình, lần đầu tiên người Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ. Tuy chưa được gặp Bác Hồ, nhưng rất nhiều thanh niên Pa Kô, Vân Kiều đã mang họ Hồ và tham gia kháng chiến trên mặt trận đường 9 năm 1947, để lại tên tuổi trong lịch sử kháng chiến chống pháp của quân và dân Quảng Trị như: ông Hồ Ray, Hồ Tơ, Hồ Hăng, Hồ Thiên, Hồ Cam, Hồ Hương… Năm 1957, nhân dịp Bác Hồ vào thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, thay mặt cho đồng bào vùng cao, ông Hồ Ray, cán bộ Ban Chỉ đạo công tác miền núi Quảng Trị và một số cán bộ người dân tộc thiểu số lúc đó đã gặp Bác báo cáo niềm vinh dự, tự hào của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô được mang họ Hồ của Bác. Từ đó đồng bào Vân Kiều, Pa Kô của huyện Hướng Hoá nói riêng và đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn luôn luôn nhắc nhở nhau phải đoàn kết, thủy chung xứng đáng là con cháu Bác Hồ.

 Luôn một lòng  son sắt, thuỷ chung theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng 

72 năm qua, kể từ khi người Vân Kiều, Pa Kô được mang họ Hồ của Bác, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô Hướng Hoá luôn tự hào, đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ, một lòng theo Đảng, Bác Hồ, anh dũng ngoan cường bám làng, bám bản, bám núi rừng làm cơ sở cho cách mạng và các lực lượng vũ trang, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt cách đây nữa thế kỷ, cùng với khí thế tấn công và nổi dậy Mậu thân năm 1968, bằng trí thông minh và tinh thần dũng cảm, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã cùng quân và dân các dân tộc trong huyện, sát cánh cùng các quân đoàn, sư đoàn, binh chủng, các đơn vị bộ đội chủ lực, đồng loạt tiến công vào các cứ điểm của địch. Qua 170 ngày đêm chiến đấu oanh liệt, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đã kết thúc thắng lợi, Hướng Hoá huyện đầu tiên của tỉnh Quảng trị và của miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. 

Bước ra từ hoang tàn, đổ nát của cuộc chiến tranh, với niềm vinh dự tự hào được mạng họ Hồ của Bác, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã đoàn kết một lòng cùng Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Hướng Hoá, chung tay, góp sức cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương đem lại những thành tựu nổi bật đáng tự hào. Trên lĩnh vực kinh tế, đã thay đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế, nếp nghĩ, cách làm, tạo ra ý chí quyết tâm và nguồn sức mạnh to lớn về chuyển đổi nền kinh tế vốn mang nặng yếu tố tự cung, tự cấp, lạc hậu sang nền kinh tế hàng hóa thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp là đã tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu như: cà phê 5.318 ha, hồ tiêu 219 ha, cao su 1.075 ha, mắc ca hơn 400 ha, sắn 5.080 ha, chuối gần 4.100 ha…  Trong đó, cây sắn ở vùng Lìa không chỉ giúp bà con Vân kiều, Pa Kô xoá được đói, giảm được nghèo mà nhiều hộ đã tham gia Câu lạc bộ có thu nhập từ sắn trong năm hơn 100 triệu đồng. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các lĩnh vực giao thông, điện, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao đã được tăng cường đáng kể. Điện lưới Quốc gia phủ khắp toàn huyện, tỷ lệ hộ dùng điện trên 95%, 100% xã đường ô tô đã đến trung tâm xã; cơ sở vật chất trường lớp được kiên cố hóa; trên 73% số hộ dân được dùng nước sạch, tỷ lệ hộ dân xem truyền hình đạt 100%; các thôn, bản đã có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Việc xóa nhà tạm bợ dột nát cho đồng bào Vân Kiều, Pa Kô luôn được chú trọng. Hệ thống thông tin liên lạc được phát triển mạnh về quy mô và chất lượng. Đặc biệt huyện tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng để các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào địa bàn nhất là các xã vùng sâu, vùng xa đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, về du lịch và khu công nghiêp.

Nhà văn hoá dân tộc Vân Kiều - Pacô

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo có bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho dạy và học được tăng cường; 100% xã, thị trấn có đầy đủ 3 cấp học từ mầm non đến Trung học cơ sở; có 20 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân luôn được quan tâm, nhiều năm qua không để dịch bệnh lớn xảy ra. Toàn huyện có 01 Bệnh viện đa khoa với quy mô trên 100 giường bệnh và Phòng khám khu vực Lìa; có 21/22 xã, trị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% Trạm y tế ở các xã, thị trấn có bác sỹ và được trang bị cơ bản các thiết bị y tế, bước đầu phục vụ tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở các bản làng vùng sâu, vùng xa được nâng lên về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 28,36%.  Hoạt động thể dục - thể thao diễn ra sôi nổi; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được triển khai sâu rộng, được mọi tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng; các loại hình văn hoá của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Tình làng nghĩa bản ngày một thắt chặt, trở thành nét đẹp văn hoá, ngày càng lan toả trong nhân dân. Đến nay toàn huyện đã có 313/314 thôn bản đã phát động xây dựng văn hoá. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường củng cố và ổn định, hoạt động đối ngoại ngày một chú trọng, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào và tình kết nghĩa anh em giữa Hướng Hóa với các huyện bạn Lào ngày càng gắn bó và phát triển, Thường xuyên duy trì giao ban 20 cặp bản đối diện qua biên giới theo quy định, lãnh đạo hai huyện đều tổ chức thăm hỏi, trao đổi hỗ trợ lẫn nhau, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và  thúc đẩy kinh tế - xã hội hai bên cùng phát triển.

Kỷ niệm 72 năm người Vân Kiều, Pa Kô mang họ Hồ của Bác, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô Hướng Hoá luôn ghi nhớ và biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã làm cho đời sống, diện mạo bộ mặt nông thôn miền núi Hướng Hoá ngày một đổi thay và luôn son sắt, thuỷ chung theo Đảng, theo Bác Hồ đoàn kết nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hướng Hướng Hoá sớm trở thành huyện miền núi kiểu mẫu như lời căn dặn của đồng chí Cố Tổng Bí thư  Lê Duẩn. Nguyễn Đình Phục

944 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1293
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1293
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87161996