Năm 1947, trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác căn dặn: “Đối với Nhân dân, phải nhớ Đảng làm việc cho dân, Đảng mạnh hay yếu là ở dân. Phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân, hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin, muốn cho dân tin thì phải thanh khiết”. Bởi theo Người: “Nhiệm vụ của đoàn thể là phụng sự Nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự Nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(1). Người cho rằng "Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân bàn bạc, không giải thích". "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra"; “Nếu có một que diêm nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to nhưng không biết cách thì cũng không châm được”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghét cay, ghét đắng thái độ của một số cán bộ, đảng viên "Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng". Lê-nin gọi là kiêu ngạo cộng sản. Để hiểu dân Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nguyên tắc "Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng". "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết...”. Tuy nhiên, trong dân chúng thì có người “tiên tiến”, người “chừng chừng” và cũng có người nhận thức chưa đến, thậm chí còn “lạc hậu". Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng “phải biết lắng nghe, phân tích những ý kiến, sáng kiến của nhân dân để từ đó kiểm định chủ trương, chính sách, pháp luật và việc làm của cán bộ, đảng viên, tìm ra cái hay để phát triển và cái dở để sửa chữa. Có tâm với dân thì sẽ làm tốt điều đó. "Nước mình mình cứu, dân mình mình yêu".
Để gần dân, có nhiều cách nhưng hay nhất là đến với dân. Theo các nguồn sử liệu, chỉ trong vòng 10 năm (1959 đến năm 1969), Bác Hồ đã có hơn 700 đến với người dân để thăm hỏi, nói chuyện, hoặc cùng lao động sản xuất. Với Người, ý thức tôn trọng Nhân dân đôi khi chỉ là một hành động nhỏ. Chẳng hạn như: Có lần Bác nói chuyện với dân, thấy trời nắng, một cán bộ địa phương mang ô đến che nắng cho Bác, Bác bảo: “Dân chịu được thì Bác cũng chịu được. Chú cứ làm như Bác là ông quan ngày xưa”. Hay những hôm mời khách đến ăn cơm, Bác đều báo trước cho đồng chí cấp dưỡng biết để chuẩn bị và số tiền đãi khách được trừ vào tiền lương của Người, tuyệt đối không dùng một đồng công quỹ nào. Những lần tiếp khách như vậy bao giờ Người cũng nhắc nhà bếp nấu món ăn phù hợp khẩu vị của khách để anh em ngon miệng. Năm 1965, để có nguồn lương thực chi viện cho miền Nam, chúng ta vận động nhân dân trong bữa cơm phải ăn độn ít nhất 50%. Khi đó Bác đã bước vào tuổi 75, (lúc này sức khỏe Bác có dấu hiệu yếu) nhìn Bác ăn độn, anh em xót quá, mới thưa là có quy định các cụ già trên 70 tuổi không phải ăn cơm độn, nhưng Bác bảo: “Bác cũng nhiều tuổi, nhưng Bác còn khoẻ. Thế thì Bác theo cán bộ. Cán bộ thế nào thì Bác thế ấy. Các chú thổi cơm độn cho Bác. Nhân dân, cán bộ ta ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy”. Để “chiều” Bác, anh em xay ngô thật nhỏ, độn gọi là, nhưng Người nhắc: phải đủ 50%. Khi về cơ sở, Bác luôn dặn hãy ăn no rồi mới đến làm việc “Người ta dọn ra một bữa sang. Bác cháu mình có khi chẳng ăn và chẳng ăn hết. Nhưng đi rồi để lại cái tiếng: đấy Bác Hồ đến thăm cũng làm cơm thế này, thế nọ, cũng điều động người làm mất thời gian. Thế là tự mình lại bao che cho cái chuyện xôi thịt. Không, như thế thì nắm cơm mang theo ăn cho tiện, ăn no rồi đến làm việc”.
Gần đến sinh nhật lần thứ 131 của Người, câu chuyện nhỏ xin được kể lại và để nhắn gửi thông điệp của Nhà báo U. Bớt-séc (Pháp) “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, những ở cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”. Trí Ánh-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị