Năm 1946, sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nỗ, trước tình hình số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của các chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn; khi Chính phủ quyết định thành lập "Hội giúp binh sĩ bị nạn", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm trách Hội trưởng danh dự, nhằm động viên, thúc đẩy phong trào hoạt động của Hội, góp phần giúp đỡ thương binh.
Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày để làm ngày Thương binh. Theo Bác, sở dĩ phải chọn một ngày dành riêng cho Thương binh là để có "dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh". Thật cảm động biết bao, chiều 27/7/1947, lần đầu tiên nước ta tổ chức ngày Thương binh, Bác đã gửi thư với những lời lẽ tâm huyết, tình cảm. Trong dịp này, Người đã ủng hộ một áo lụa của Hội Phụ nữ gửi biếu Người, một tháng lương và một bữa ăn của Bác và các nhân viên trong Phủ Chủ tịch với số tiền là 1.127 đồng để giúp các Thương binh.
Sau này, dù bận trăm công nghìn việc, nhất là những năm đầu đất nước độc lập, có lúc thế nước như "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng đến Ngày Thương binh, sau này là ngày Thương binh, Liệt sĩ Bác đều dành tình cảm, sự sẽ chia với những người "đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt...". Bỡi vậy, không chỉ đến ngày lễ trọng nói trên mà hễ có dịp là người thăm hỏi, tặng quà, khen ngợi động viên để những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước vươn lên trong cuộc sống. Người nói " Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Họ đã làm tròn nhiệm vụ, họ không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". Người nhấn mạnh " ...bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ..."
Khi nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh Hồ Chủ tịch liền gửi thư; bức thư có đoạn: “Tôi được báo cáo rằng, con trai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. ”
Đối với các chiến sĩ Bác luôn luôn dành nhiều tình cảm ưu ái và sự quan tâm đặc biệt. Có dịp là Bác hỏi thăm bộ đội ta ăn có đủ no, mặc có đủ ấm và có thiếu thốn gì không? Bác vui mừng và khen ngợi đối với mỗi chiến công của bộ đội và rất đau buồn khi nghe tin mỗi khi có chiến sĩ, đồng bào bị thương hay hy sinh ngoài mặt trận.
Đối với thương binh, Bác luôn ân cần căn dặn phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội nhân dân. Người dạy: "... Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí ...". Không những thế, Bác Hồ còn kêu gọi đồng bào noi gương oanh liệt của thương binh, liệt sĩ, ra sức đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Bác không quên căn dặn: " Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình(cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần" tự lực cánh sinh"... "đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà nếu thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xa nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét."
Thực hiện di huấn của Người, Đảng-Nhà nước và nhân dân ta đã dành cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng thương yêu vô hạn về cả vật chất lẫn tinh thần ngay trong thời chiến cũng như thời bình. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, chúng ta vẫn quyết tâm “Chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có cuộc sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình với người dân địa phương…”
Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã làm những gì có thể để thể hiện đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" "Ăn quả, nhớ người trồng cây": Trong những năm qua, đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và sửa chữa được 44 nhà bia ghi danh liệt sĩ; Cải tạo, nâng cấp 2 Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Trường Sơn... Ngoài ra, mỗi năm tỉnh ta đã đón tiếp trên 7.000 thân nhân có người thân là liệt sĩ đang nằm lại trên mãnh đất Quảng Trị .Tính từ năm 2001 đến nay tỉnh ta đã huy động hơn 23 tỷ đồng để xây dựng xây dựng hơn 1.244 căn nhà tình nghĩa, sữa chữa 198 nhà ở cho đối tượng chính sách. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn" đã được các ngành, các cấp hướng ứng nhiệt thành. Hiện nay, quỹ ‘Đền ơn đáp nghĩa’ của tỉnh có hơn 35 tỉ đồng. Cùng với các hoạt động nói trên, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã tạo thuận lợi cho các gia đình chính sách vay vốn, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 97% gia đình chính sách có mức sống ngang hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Phần lớn các gia đình đều được công nhận là "Gia đình văn hóa", "Gia đình cách mạng gương mẫu".
Đối với sự cống hiến to lớn của các thương binh, sự hy sinh của các gia đình Liệt sĩ thì những việc đã làm vẫn còn quá nhỏ. Nhưng đó, là nghĩa tình, là sự tri ân, đó vừa là trách nhiệm của Đảng và Nhân dân đền đáp một phần sự hy sinh to lớn của những người vì dân vì nước mang lại vinh quang cho dân tộc và hạnh phúc cho Nhân dân. Trí Ánh